Điều tra đánh giá sơ bộ hệ thực vật của Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò, tỉnh Hòa Bình

Page 1

Trung tâm Con người và Thiên nhiên

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia-Pà Cò

Báo cáo kỹ thuật ĐIỀU TRA ĐÁNH GIÁ SƠ BỘ HỆ THỰC VẬT Ở KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN HANG KIA – PÀ CÒ, TỈNH HOÀ BÌNH

Phùng Văn Phê - Nguyễn Văn Lý (Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam)

HÀ NỘI, THÁNG 6/2009


Báo cáo được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Thí điểm tiếp cận thị trường tổng hợp nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn thiên nhiên: Nâng cao đời sống cộng đồng vùng đệm để giảm thiểu tác động lên tài nguyên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, do Trung tâm Con người và Thiên nhiên thực hiện. Dự án này được tài trợ bởi Quỹ Blue Moon. Tất cả những quan điểm được trình bày trong báo cáo này là ý kiến chủ quan của tác giả mà không có sự tác động của bất cứ tổ chức nào ở trên.

Các bản đồ trong tài liệu này được sử dụng với mục đích minh họa và có thể không phản ánh chính xác tuyệt đối ranh giới địa lý và hành chính trên thực tế. Việc sử dụng các bản đồ này không hàm ý sự ủng hộ hoặc phản đối của các tác giả cũng như Trung tâm Con người và Thiên nhiên đối với vấn đề phân định ranh giới đất nước, vùng lãnh thổ hoặc địa phương nhất định. Bản quyền thuộc Trung tâm Con người và Thiên nhiên. Xuất bản năm 2009. Trích dẫn:

Phùng Văn Phê, Nguyễn Văn Lý (2009). Điều tra đánh giá sơ bộ hệ thực vật của Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình. Dự án Thí điểm tiếp cận thị trường tổng hợp nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn thiên nhiên: Nâng cao đời sống cộng đồng vùng đệm để giảm thiểu tác động lên tài nguyên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Hà Nội, Việt Nam.

Báo cáo có tại:

TRUNG TÂM CON NGƯỜI VÀ THIÊN NHIÊN Số 3, Ngách 55, Ngõ 61, Trần Duy Hưng, Hà Nội Hòm thư 612, Bưu điện Hà Nội Tel: (04) 3556-4001 Fax (04) 3556-8941 Email: contact@nature.org.vn Website: http://www.nature.org.vn

Biên tập nội dung: Nguyễn Đức Tố Lưu (Trung tâm Con người và Thiên nhiên)

Ảnh trang bìa:

Thông Pinus kwangtungenis trên đỉnh núi Pà Cò, Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò. Nguyễn Đức Tố Lưu (Trung tâm Con người và Thiên nhiên).


LỜI CẢM ƠN Chúng tôi xin trân trọng cám ơn Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò, đã hỗ trợ nhiều tài liệu quí báu và tạo điều kiện về hiện trường, nhân lực để báo cáo được hoàn thành. Chúng tôi cũng xin trân trọng cám ơn Thạc sỹ Nguyễn Văn Huy, nguyên giảng viên Bộ môn Thực vật rừng của Trường Đại học Lâm nghiệp, đã hỗ trợ nhiều tài liệu để hoàn thành báo cáo này. Cuối cùng chúng tôi xin chân thành cám ơn Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã tài trợ kinh phí để hoàn thành nghiên cứu này.

Thay mặt Nhóm tư vấn Phùng Văn Phê


MỤC LỤC

TÓM TẮT ............................................................................................................................. 2 DỤNG CỤ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ................................................................. 4 1. Ô tiêu chuẩn và tuyến điều tra........................................................................................ 4 2. Mô tả thảm thực vật ....................................................................................................... 4 3. Định tên cây................................................................................................................... 4 Phần I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CHÍNH CỦA KHU BTTN HANG KIA – PÀ CÒ.................. 6 Phần II. CÁC KIỂU THẢM THỰC VẬT Ở KHU BTTN HANG KIA – PÀ CÒ .................. 7 1. Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp trên núi đá vôi bị tác động nhẹ đến vừa ....................................................................................................................... 7 2. Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp trên núi đá vôi bị tác động mạnh.................................................................................................................................. 9 3. Kiểu phụ rừng thứ sinh nhân tác................................................................................... 11 Phần III. ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN ................................................................................... 13 1. Các loại thảm thực vật và ý nghĩa bảo tồn .................................................................... 13 2. Hệ thực vật và ý nghĩa bảo tồn ..................................................................................... 15 Phần IV. KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT.................................................................................. 25 1. Đối với Ban quản lý Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò...................................................... 25 2. Đối với địa phương ...................................................................................................... 27 3. Đối với Chi cục kiểm lâm Hoà Bình............................................................................. 27 TÀI LIỆU THAM KHẢO.................................................................................................... 29 1. Tài liệu trong nước....................................................................................................... 29 2. Tài liệu nước ngoài ...................................................................................................... 30 PHỤ LỤC ............................................................................................................................ 31 Phụ lục 1. Lịch trình làm việc tại Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò ...................................... 31 Phụ lục 2. Danh lục thực vật bậc cao có mạch tại Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình ........................................................................................................ 32 Phụ lục 3. Một số hình ảnh về hệ thực vật ở Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò...................... 64 Phụ lục 4. Sơ đồ tuyến điều tra thực vật tại khu BTTN Hang Kia – Pà Cò ……………….66 Phụ lục 5. Bản đồ phân bố các loại cây gỗ quý trong Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò …….67


TÓM TẮT Báo cáo này trình bày kết quả của chuyến khảo sát sơ bộ về hệ thực vật được tiến hành tại Khu bảo tồn thiên nhiên (Khu BTTN) Hang Kia – Pà Cò, phía tây bắc của tỉnh Hoà Bình trong tháng 6 năm 2009. Khảo sát này được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Thí điểm tiếp cận thị trường tổng hợp nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn thiên nhiên: Nâng cao đời sống cộng đồng vùng đệm để giảm thiểu tác động lên tài nguyên tại Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên thực hiện. Mục tiêu của việc khảo sát hệ thực vật tại Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò là nhằm phát hiện, thống kê và đánh giá tính đa dạng của hệ thực vật tại Khu BTTN, đánh giá ý nghĩa sinh học và phương hướng ưu tiên cho công tác quản lý bảo tồn. Nghiên cứu này đặc biệt quan tâm tới nhóm thực vật nguy cấp, quí hiếm, đặc hữu và phân bố của chúng. Những mô tả chi tiết về cấu trúc rừng và thành phần loài của các kiểu thảm thực vật được thu thập đối với các quần xã thực vật trong khu vực thông qua các quan sát ngoài thực địa trên các tuyến điều tra và các ô tiêu chuẩn đại diện được thiết lập. Qua toàn bộ quá trình điều tra, tổng số 7 tuyến và 6 ô tiêu chuẩn đại diện cho 4 xã (Tân Sơn, Hang Kia, Pà Cò và Cun Pheo) thuộc Khu BTTN đã được lập ở các quần xã thực vật trải dài từ độ cao 670m đến 1300 m. Thành phần thực vật ở các khu vực nghiên cứu được đánh giá nhanh trong các điều tra trên tuyến. Kết quả của chuyến điều tra thực vật này mặc dù chưa thực sự toàn diện, nhưng đã cho thấy khu hệ thực vật thuộc Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò khá phong phú và đa dạng. Qua cả quá trình điều tra, 880 loài thực vật có mạch thuộc 498 chi của 153 họ, 6 ngành thực vật bậc cao đã được ghi nhận. Trong đó bao gồm 35 loài thực vật bị đe doạ theo Sách Đỏ Việt Nam (2007), 16 loài được ghi trong Nghị Định 32/2006/NĐ-CP, 11 loài được xếp trong Danh luc đỏ thế giới IUCN. Bên cạnh giá trị sinh học của chúng, rừng Hang Kia – Pà Cò cũng chứa đựng nguồn tài nguyên thực vật quan trọng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là giá trị của chúng đối với các cộng đồng địa phương. Có nhiều loài cho gỗ quí, làm thuốc, làm cảnh hay các giá trị khác. Phần lớn diện tích Khu BTTN được đặc trưng bởi kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp với ba kiểu phụ. Kiểu phụ rừng trên núi đá vôi chiếm diện tích lớn nhất. Những quan sát trong quá trình điều tra cho thấy kiểu rừng này tập trung chủ yếu tại các xã Hang Kia, Pà Cò và Cun Pheo. Hầu hết diện tích rừng còn lại thuộc các kiểu phụ rừng trên núi đất và rừng thứ sinh nhân tác do hoạt động khai thác, nương rẫy của nhân dân trước kia (bao gồm rừng phục hồi sau khai thác, nương rẫy; các trảng cây bụi cây gỗ rải rác; trảng cỏ) và kiểu phụ rừng nuôi trồng nhân tạo (rừng trồng) trong thời gian gần đây. Nghiên cứu này tập trung chủ yếu vào kiểu phụ rừng trên núi đá vôi và kiểu phụ rừng thứ sinh nhân tác. Đây là khu vực có tính đa dạng sinh học cao nhất trong Khu BTTN, có phân bố của nhiều loài cây gỗ quí, nhiều loài thực vật có giá trị kinh tế, nhiều loài dược liệu quí hiếm và nhiều loài thực vật bị đe doạ. Mức độ ưu tiên bảo tồn ở kiểu phụ rừng này phụ Trang 2


thuộc vào mức độ bị tác động của chúng. Kiểu phụ rừng thứ nhất cần ưu tiên bảo tồn là kiểu phụ rừng kín thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp trên núi đá vôi bị tác động nhẹ đến vừa tập trung ở các xã Pà Cò, Cun Pheo thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu BTTN. Kiểu phụ rừng này còn giữ được nhiều đặc trưng của rừng trên núi đá vôi, một loại hình thảm thực vật không còn nhiều ở Việt Nam. Tại đây có sự phân bố của các loài cây gỗ nguy cấp, quý hiếm như Nghiến Excentrodendron tonkinense, Trai Garcinia fagraeoides. Ngoài ra, kiểu phụ rừng này còn là nơi phân bố của nhiều loài thực vật nguy cấp, thực vật có giá trị kinh tế cao và nhiều loài dược liệu. Kiểu phụ rừng thứ hai được ưu tiên bảo tồn là kiểu phụ rừng kín lá rộng thường xanh á nhiệt đới núi thấp trên núi đá vôi bị tác động mạnh thuộc các xóm Thung Ẳng, Thung Mặn của xã Hang Kia. Kiểu phụ rừng này còn giữ được những nét đặc trưng của rừng trên núi đá vôi. Kiểu phụ rừng này cũng là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng thực vật rất cao. Đây cũng là nơi phân bố của nhiều loài thực vật nguy cấp, quí hiếm của Việt Nam cũng như thế giới, có giá trị kinh tế cao, nhiều loài dược liệu quí. Kiểu phụ rừng thứ ba được ưu tiên bảo tồn là kiểu phụ rừng thứ sinh nhân tác sau khai thác thuộc xóm Hang Kia của xã Hang Kia. Kiểu rừng này còn rất nhiều cá thể của các loài có giá trị bảo tồn cao như Pơ mu Fokienia hodginsii, Bách xanh Calocedrus macrolepis, Re hương Cinnamomum parthenoxylon, Thông đỏ bắc Taxus chinensis và Thông pà cò Pinus kwangtungensis. Kiểu phụ rừng thứ tư được ưu tiên bảo tồn là kiểu phụ rừng kín thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp trên núi đá vôi bị tác động mạnh thuộc xã Tân Sơn. Kiểu phụ rừng này cũng là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng thực vật rất cao, với đầy đủ các dạng sống khác nhau. Nhiều loài cây quí hiếm cũng phân bố ở đây. Hiện nay, kiểu phụ rừng này vẫn đang tiếp tục bị tác động. Đây là phần diện tích rừng trên núi đá vôi còn ít ỏi của xã Tân Sơn, cần được ưu tiên bảo vệ môi trường sinh thái cảnh quan. Các kiểu phụ rừng trên của Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò có ý nghĩa cao đối với công tác bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, bảo tồn nguồn gen thực vật nguy cấp, quí hiếm; phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo tồn môi trường sinh thái cảnh quan trong vùng núi đá vôi. Tuy nhiên, hiện tại các kiểu phụ rừng trên núi đá vôi vẫn đang bị khai thác mạnh ở nhiều nơi, ngay cả trong vùng lõi của khu bảo tồn để phục vụ các mục đích dân sinh. Hai loài cây quí hiếm là Trai lý Garcinia fagraeoides và Nghiến Excentrodendron tonkinense, đặc trưng cho rừng trên núi đá vôi, thuộc nhóm IIA trong Nghị định 32/2006/CP, vẫn đang bị chặt hạ rất nhiều. Nhiều vấn đề rất khó khăn hiện nay đang phải đối mặt trong công tác bảo tồn các khu rừng ở Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò, phát sinh từ các nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng địa phương. Kiểm soát hiệu quả việc khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên là yêu cầu cấp bách nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường sống trong khu vực. Những nghiên cứu sâu hơn và việc giám sát những khu rừng ở Hang Kia – Pà Cò cả về phương diện đa dạng sinh học cũng như bảo tồn chúng là hết sức cần thiết. Trang 3


DỤNG CỤ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 1. Ô tiêu chuẩn và tuyến điều tra Mô tả cấu trúc và thành phần loài của các loại thảm và quần xã thực vật khác nhau chủ yếu được tiến hành theo các tuyến, từ thấp đến cao. Mô tả thảm thực vật dựa trên các quan sát thực tế dọc theo các tuyến điều tra và mô tả chi tiết cấu trúc và thành phần loài tại 5 ô tiêu chuẩn được lựa chọn tại các độ cao khác nhau trong các quần xã thực vật điển hình nhất. Danh sách các tuyến điều tra và ô tiêu chuẩn đã thiết lập được liệt kê trong Phụ lục 1. Kích thước các ô tiêu chuẩn dao động từ 10 x 10 m khi mô tả những quần xã thực vật bám trên vách đá, đến 20 x 50 m khi mô tả những trạng thái rừng có độ cao lớn. Kích thước của ô tiêu chuẩn được lựa chọn phụ thuộc vào diện tích khu vực có cùng một kiểu thảm thực vật. Các ô tiêu chuẩn được lựa chọn trong tất cả các quần xã thực vật chính gặp dọc theo các tuyến điều tra. Đa số của các ô tiêu chuẩn được sử dụng cho việc mô tả kiểu thảm thực vật và thành phần loài có kích cỡ là 20 x 25 m. Đối với mỗi ô tiêu chuẩn đã xác định vị trí địa lý, độ cao so với mặt biển, hướng phơi và độ dốc. Tại mỗi ô tiêu chuẩn, các đặc điểm về đá mẹ đều được mô tả ngắn gọn. Cấu trúc thảm thực vật được mô tả đối với mỗi tầng riêng biệt bao gồm độ tàn che, và thành phần loài. Các loại hình thái thực vật không tạo thành tầng như các loài bám trên cây, trên đá, các dây leo cũng được mô tả. Số lượng cây và đường kính của chúng trong các tầng cây gỗ cũng được chỉ ra trong khi mô tả các ô tiêu chuẩn. Đường kính các thân cây được đo ở độ cao ngang ngực (khoảng 1,3 m trên mặt đất) bằng thước đo cao Blumleiss.

2. Mô tả thảm thực vật Việc mô tả thảm thực vật được tiến hành theo bảng tiêu chuẩn. Theo bảng này, mỗi ô tiêu chuẩn có các mục sau cần được mô tả: - Tầng A1, A2, A3 (tầng cây gỗ): chiều cao cây (m), số lượng, đường kính ngang ngực (cm), đường kính tán lá của mỗi cây, độ che phủ (%). - Tầng B (tầng cây bụi): chiều cao cây (m); độ che phủ (%); các loài đồng ưu thế. - Tầng C (tầng cây cỏ): chiều cao (m); độ che phủ (%). - Thực vật ngoại tầng: bao gồm các loài dây leo, các loài phụ sinh khác.

3. Định tên cây Các tài liệu sau đã được sử dụng trong qua trình điều tra và xác định tên cây: 1. "Flore Generale de l'Indochine" (Ed. M.H.Lecomte & H.Humbert, 1907-1951). 2. "An Illustrated Flora of Vietnam" (Pham Hoang Ho, 1999-2000).

Trang 4


3. “Flora of Taiwan” (Liu Tsang-Shui, Su Horng-Jye, 1978). 4. “Flora of China Illustrations” (Missouri Botanical Garden Press, 1994-2009). 5. “Danh lục các loài thực vật Việt Nam” tập 2, 3 (Nguyễn Tiến Bân chủ biên, 20032005). 6. “Danh lục các loài thực vật Việt Nam” tập 1 (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu tài nguyên môi trường Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001).

Trang 5


Phần I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CHÍNH CỦA KHU BTTN HANG KIA – PÀ CÒ Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò nằm ở phía bắc huyện Mai Châu, phía tây tỉnh Hoà Bình, giáp ranh với tỉnh Sơn La, ở vị trí từ 20o40’ đến 20o45’ vĩ độ bắc và từ 104o51’ đến 105o00’ kinh độ đông, trong địa giới hành chính 6 xã Hang Kia, Pà Cò, Tân Sơn, Bao La, Phiềng Vế, Cun Pheo; có diện tích 7091 ha. Hiện nay, theo quy hoạch mới diện tích của Khu bảo tồn là 5.257,77 ha, phần diện tích còn lại được quy hoạch rừng sản xuất. Về ranh giới: Phía bắc giáp xã Chiềng Yên huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La; Phía nam giáp các xã Bao La, Phiềng Vế, Cun Pheo; phía đông giáp các xã Đồng Bảng, Nà Mèo của huyện Mai Châu; phía tây giáp các xã Xuân Nha, Loóng Luông huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Khu vực này có các đặc điểm chính về cấu trúc địa mạo là những thung lũng đất thấp, những đỉnh núi đá vôi thấp bị bào mòn và những đỉnh núi đá vôi cao hơn. Đỉnh cao nhất tới 1536m ở phía tây bắc của khu vực, độ cao giảm dần về phía đông. Hầu hết Khu BTTN cao trên 900 m. Về cơ bản khí hậu khu vực này chia thành 2 mùa rõ rệt. Mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 8, nhiệt độ bình quân 15 đến 250C. Mùa lạnh từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ 3-100C, thỉnh thoảng tụt xuống 00C. Độ ẩm mùa nóng 70%, mùa lạnh 55%. Lượng mưa trung bình năm 1850-2000 mm, chủ yếu vào mùa nóng. Từ tháng 8 tới tháng 4 năm sau thường xuyên có sương mùa. Mùa khô rất khan hiếm nước. Địa chất của khu vực được đặc trưng bởi hệ thống núi đá vôi bị chia cắt mạnh. Địa hình của vùng đã bị xói mòn tạo nên những quả núi có bề mặt gồ ghề giữa các thung lũng tương đối bằng phẳng. Những thung lũng bằng phẳng có nhiều trong khu vực này, điển hình nhất thuộc khu vực xã Tân Sơn, Pà Cò, Hang Kia. Loại hình địa mạo này đã mất rừng từ lâu, hiện được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp và cư trú của cộng đồng địa phương. Thảm thực vật tự nhiên còn sót lại của loại hình địa mạo này chỉ còn thấy ở một vài điểm thuộc vùng lõi của Khu BTTN thuộc xã Pà Cò. Điển hình như khu vực ven quốc lộ 6. Xen kẽ những thung lũng này là các dãy núi đá vôi bị chia cắt mạnh, hiểm trở. Ngoài ra, có một số núi đất hầu hết thuộc xã Tân Sơn. Diện tích này được che phủ bởi lớp thảm thực vật nguyên sinh bị tác động mạnh đến vừa. Hầu hết sườn thấp và trung bình của những đỉnh núi cao cũng đã mất đi thảm thực vật nguyên sinh. Rừng nguyên sinh chỉ còn tồn tại ở sườn trên của các đỉnh núi. Toàn bộ khu vực nghiên cứu thuộc kiểu rừng kín thường xanh á nhiệt đới núi thấp, bao gồm các kiểu phụ thổ nhưỡng trên núi đá vôi, kiểu phụ thứ sinh nhân tác và kiểu phụ nuôi trồng nhân tạo. Nghiên cứu này tập trung chủ yếu vào kiểu phụ thổ nhưỡng trên núi đá vôi, chiếm diện tích lớn nhất và quan trọng nhất để phòng hộ, bảo vệ cảnh quan, môi trường sống và bảo tồn đa dạng sinh học.

Trang 6


Phần II. CÁC KIỂU THẢM THỰC VẬT Ở KHU BTTN HANG KIA – PÀ CÒ 1. Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp trên núi đá vôi bị tác động nhẹ đến vừa Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp trên đá vôi bị tác động nhẹ đến vừa tập trung ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu BTTN thuộc các xã Pà Cò, Cun Pheo, Bao La và Hang Kia. Ở những nơi rừng bị tác động nhẹ thì có cấu trúc 3 tầng cây gỗ (ô tiêu chuẩn 3, 4, 5). Còn lại hầu hết thảm thực vật rừng ở đây có cấu trúc 2 tầng cây gỗ, tầng A1 không rõ. Đá mẹ ở đây là loại đá vôi kết tinh cứng. Bảng 1. Vị trí các ô tiêu chuẩn của kiểu phụ rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa á nhiệt đới trên núi đá vôi bị tác động nhẹ đến vừa Ô tiêu chuẩn

Vị trí

3

Xã Pà Cò

4

Xã Cun Pheo

5

Xã Pà Cò

Toạ độ địa lý N200 44.587’ E104056.122’ N200 42.943’ 0

E104 54.949’ N20044.550’ 0

E104 56.305’

Độ cao (m)

Độ dốc

Người điều tra

1043

35o

Phùng Văn Phê

868

30o

Phùng Văn Phê

993

35o

Phùng Văn Phê

Mô tả cấu trúc rừng: Tầng vượt tán A1. Tầng vượt tán của kiểu phụ rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp trên núi đá vôi này cao từ 25-30m, đường kính từ 40-60 cm. Tầng này tán nhấp nhô không liên tục. Độ tàn che của tầng rừng này khoảng 15-20%. Ở các đỉnh núi xa dân cư, địa hình chia cắt mạnh, loài cây tham gia vào tầng vượt tán này bao gồm Nghiến Excentrodendron tonkinense, Sâng Pometia pinnata, Cà lồ Caryodaphnopsis tonkinensis, Gội Aphanamixis sp., Trai lý Garcinia fagraeoides, Mang cụt Pterospermum truncatolobatum, Cui rừng lá to Heritiera macrophylla, Nhãn rừng Dimocarpus fumatus. Ở những khu vực gần dân cư hơn, đi lại thuận lợi thì tầng này thường hiếm thấy loài Nghiến Excentrodendron tonkinense, mà chủ yếu vẫn là Trai lý Garcinia fagraeoides, Sâng Pometia pinnata, Gội Aphanamixis sp., Cà lồ Caryodaphnopsis tonkinensis, Thị rừng Diospyros sp., Nhãn rừng Dimocarpus fumatus. Tầng A2. Các loài cây của tầng ưu thế sinh thái A2 của kiểu phụ rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp trên núi đá vôi này cao từ 15-20 m, đường kính 2540 cm. Độ che phủ thông thường là 30-60%. Ngoài các loài cây của tầng A1 có mặt ở đây còn có các loài Thích bắc bộ Acer tonkinense, Gội Aglaia sp., Chắp tay bắc bộ Exbuklandia Trang 7


tonkinensis, Re Cinnamomum sp., Bứa Garcinia sp., Cui rừng Heritiera sp., Sồi dẻ Lithocarpus sp., Nhọc Polyalthia cerasoides, Sảng Sterculia sp., và một vài loài thuộc họ Anacardiaceae, Lauraceae và Meliaceae. Ngoài ra, rừng ở khu vực Cun Pheo tầng này còn có sự tham gia của loài Thông tre lá dài Podocarpus neriifolius. Tầng A3. Tầng thứ 3 này được tạo thành bởi các cây cao từ 6-15 m và có đường kính trung bình khoảng 10-15 (20) cm. Tầng rừng này có độ che phủ 20-35%. Ngoài các loài cây của hai tầng A1 và A2 ở trên, tầng này còn xuất hiện một số loài thuộc các họ Araliaceae, Ebenaceae, Apocynaceae, Fagaceae, Sterculiaceae, Magnoliaceae, Theaceae, Lauraceae, Meliaceae. Những loài phổ biến nhất trong tầng rừng này là Chân chim Schefflera sp., Re Cinnamomum spp., Dẻ cau Quercus sp., Trà Camellia sp., Bộp lông Actinodaphne pilosa., Súm Eurya sp., Bời lời Litsea spp., Nhọc Polyalthia cerasoides, Lòng mang Pterospermum heterophyllum, Teo nông Streblus tonkinensis và các loài Trâm Syzygium spp., cũng như các loài của họ Anacardiaceae và Annonaceae. Tầng B (Tầng cây bụi). Các cây bụi mọc rất phổ biến trong kiểu phụ rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp trên núi đá vôi. Chúng tạo nên một tầng cao 2-6 m với độ che phủ (10) 15-20%. Những loài cây ưu thế và những loài đi kèm với chúng ở đây bao gồm Trọng đũa Ardisia quinquegona, Bồ cu vẽ Breynia fruticosa, Đơn nem Maesa spp., Thường sơn Dichroa spp., Đắng cẳy Clerodendrum cyrtophyllum, Lấu Psychotria rubra, Lụi Rhapis spp., Vú bò Ficus simplicissima, v.v. Tầng C (Tầng cây cỏ). Nhiều loài cây cỏ được thấy ở trong kiểu phụ rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp trên núi đá vôi này. Tầng cỏ này có thể che phủ tới (5) 15-20% bề mặt rừng và cao tới 1,5 -2 m. Các loài cây đi kèm bao gồm các loài Dương xỉ như: Dớn đen Adiantum flabellulatum, Tóc thần vệ nữ Adiantum cappinus-veneris, Dương xỉ thân gỗ Cyathea sp., Cỏ seo gà Pteris spp., và các loài thực vật có hoa khác như Sẹ Alpinia globosa, Riềng rừng Alpinia sp., Gối hạc Leea rubra, Mía dò bắc bộ Costus tonkinensis, Cỏ lòng thuyền Curculigo gracilis, các loài Cao cẳng Ophiopogon spp., các loài Nghể, Thồm lồm Polygonum spp. Thực vật ngoại tầng: Thực vật sống phụ sinh trên cây. Thực vật phụ sinh trong kiểu phụ rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp trên núi đá vôi khá đa dạng và phổ biến. Chúng mọc trên tán lá của các cây to thuộc tầng A1và tạo nên quần xã cây phụ sinh phổ biến tại đây. Các loài Dương xỉ, các loài trong họ Araceae, Orchidaceae là những thành phần phổ biến nhất. Điển hình như Tổ phượng Asplenium nidus, Tắc kè đá Drynaria bonii, Lưỡi mèo tai chuột Pyrrosia adnascens, Cơm lênh Pothos repens, Ráy leo Pothos sp., Kiếm lan Cymbidium lancifolium. Thực vật mọc bám trên đá. Thực vật mọc bám trên đá trong kiểu rừng này không phổ biến. Chỉ có một số loài Thu hải đường Begonia spp. Những loài khác tại đây khá hiếm.

Trang 8


Dây leo. Trong kiểu phụ rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp trên núi đá vôi này không bắt gặp nhiều lắm các loài dây leo. Một số loài dây leo Ráy leo Pothos sp., Dây móng bò Bauhinia sp., Sống rắn Caesalpinia latisiliqua., Dây củ nâu Dioscorea sp., Trầu không rừng Piper spp., Kim cang Smilax spp., và một vài loài của các họ Annonaceae, Fabaceae và Vitaceae.

2. Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp trên núi đá vôi bị tác động mạnh Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp trên đá vôi bị tác động mạnh tập trung ở phân khu phục hồi sinh thái của Khu BTTN thuộc các xã Tân Sơn, Hang Kia, Pà Cò. Hiện nay, chúng đang bị khai thác mạnh phục vụ các mục đích dân sinh. Loại rừng này phân bố ở sườn hoặc đỉnh các núi thấp ở gần khu dân cư. Bảng 2. Vị trí các ô tiêu chuẩn của kiểu phụ rừng kín thường xanh mưa mùa á nhiệt đới trên núi đá vôi bị tác động mạnh Ô tiêu chuẩn

Vị trí

1

Xã Tân Sơn

2

Xã Hang Kia

Toạ độ địa lý N20042.731’ 0

E105 00.044’ N20044.797’ 0

E104 54.009’

Độ cao (m)

Độ dốc

Người điều tra

925

30o

Phùng Văn Phê

1233

35o

Phùng Văn Phê

Cấu trúc rừng thường có 2 tầng cây gỗ. Chỉ lác đác một số điểm, trên đỉnh các núi cao, địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, đi lại khó khăn thì có các cây gỗ lớn phân bố, thậm chí có một số loài thực vật quí hiếm như Nghiến Excentrodendron tonkinense và rừng có cấu trúc 3 tầng cây gỗ (Thung Ẳng, xã Hang Kia). Loại đá mẹ dưới bề mặt rừng của kiểu rừng này là loại đá vôi kết tinh cứng màu nâu đen. Mô tả cấu trúc rừng: Tầng A1. Các loài cây của tầng này thường có chiều cao từ 25-30m, đường kính trung bình từ 40-50 cm. Chúng phân bố rải rác, tạo nên tầng tán không liên tục. Tham gia vào tầng này còn nhiều loài cây gỗ lớn khác thuộc các họ Euphorbiaceae, Anacardiaceae, Sterculiaceae, Ebenaceae, Combretaceae, Moraceae, Sapindaceae, Meliaceae, Tiliaceae như Nhội Bischofia javanica, Vạng trứng Endospermum chinense, Nhãn rừng Dimocarpus fumatus, Sâng Pometia pinnata, Chò nhai Anogeissus acuminata, Nghiến Excentrodendron tonkinense, Gội nếp Aglaia spectabilis, Cui rừng lá to Heritiera macrophylla, Lòng mang Pterospermun heterophyllum, Sảng nhung Sterculia lanceolata, Thị rừng Diospyros spp. Tầng A2. Các loài cây của tầng ưu thế sinh thái của kiểu phụ rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới trên núi đá vôi bị tác động mạnh này thường cao từ 15-20 m, đường kính từ 20-30 cm. Độ tàn che tới 70%, có nơi đến 80%. Tham gia vào tầng ưu thế sinh thái này có Trang 9


các loài như Nhội Bischofia javanica, Mọ Deutzianthus tonkinensis, Nhãn rừng Dimocarpus fumatus, Sâng Pometia pinnata, Chò nhai Anogeissus acuminata, Trai lý Garcinia fagraeoides, Gội nếp Aglaia spectabilis, Dâu da xoan Allospondias lakonensis, Lòng mang Pterospermun heterophyllum, Sảng Sterculia lanceolata, Thị rừng Diospyros spp., Đa Ficus sp., Cà lồ bắc bộ Caryodaphnopsis tonkinensis, Mò Cryptocarya sp., Trâm trắng Syzygium wightianum. Ngoài ra, còn có các loài khác tham gia tạo nên bộ mặt của tầng này như Chòi mòi Antidesma sp., Dẻ gai ấn độ Castanopsis indica, Re Cinnamomum sp., Bứa Garcinia sp., Nhọc Polyalthia cerasoides, Côm Elaeocarpus sp., Đại phong tử Hydnocarpus anthelminthica, cũng như vô số các đại diện của các họ như Euphorbiaceae, Fabaceae, Lauraceae, Meliaceae, Rubiaceae, Sapindaceae, Elaeocarpaceae và Theaceae. Tầng A3. Các loài cây của tầng ưu thế sinh thái của kiểu phụ rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới trên núi đá vôi bị tác động mạnh này thường là 5-10 m. Gồm các cây có đường kính khoảng 10-15 cm, chúng tạo nên tán có độ che phủ 25-40%. Những loài cây mọc trong tầng rừng này là Bách bệnh Eurycoma longifolia, Phân mã Archidendron balansae, Re Cinnamomum spp., Súm Eurya sp., Bời lời Litsea spp., Lòng mang Pterospermum heterophyllum, Chân chim Schefflera spp., Trâm Syzygium spp., Chanh rừng Zanthoxylum spp., cũng như các loài khác thuộc các họ Annonaceae, Euphorbiaceae, Lauraceae, Rubiaceae, Ebenaceae, Mimosaceae, Dilleniaceae, Meliaceae, Moraceae, và Theaceae. Ngoài ra có một số cây chưa trưởng thành của các tầng trên có thể được quan sát thấy trong tầng rừng này như: Gội Aglaia sp., Nhãn rừng Dimocarpus longan và Cui rừng Heritiera macrophylla. Tầng B (tầng cây bụi). Các loài cây của tầng ưu thế sinh thái của kiểu phụ rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới trên núi đá vôi bị tác động mạnh này cao 1,5-5 m. Độ che phủ của tầng rừng này giới hạn trong khoảng 10-20%. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp độ che phủ có thể nhỏ hơn 5% hoặc lên đến 30%. Các loài phổ biến nhất của tầng này thuộc các họ Acanthaceae, Euphorbiaceae, Moraceae, Urticaceae, Fabaceae, Malvaceae, Rubiaceae, Myrsinaceae, Sapindaceae, Arecaceae, v.v. Các loài cây bụi chủ yếu ở đây như Bồ cu vẽ Breynia fruticosa, Lộc mại Claoxylon hainanense, Bọt ếch Glochidion hirsutum, các loài Mua Melastoma spp., Trọng đũa tuyến Ardisia quinquegona, các loài Đơn nem Maesa spp., Xẻn gai Zanthoxylum avicenniae, Đắng cảy Clerodendrum cyrtophyllum, Lụi Rhapis spp., Cau rừng Pinanga paradoxa, Han rừng Laportea spp., Chàm núi Strobilanthes multangulus. Tầng C (Tầng cỏ). Mật độ cây dạng cỏ bao phủ bề mặt rừng của kiểu phụ rừng kín thường xanh mưa mùa á nhiệt đới trên núi đá vôi bị tác động mạnh phụ thuộc trực tiếp vào độ ẩm tại đây. Nó có thể che phủ tới 70% bề mặt các sườn ẩm của các thung lũng và có thể là hầu như không có tại các sườn nam khô và dốc. Chiều cao của tầng cây thảo trong kiểu phụ rừng này từ 0,2 đến 1,5 m. Những cây thân thảo phổ biến nhất ở đây là: Sẹ Alpinia globosa, Trọng đũa tuyến Ardisia quinquegona, các loài Thu hải đường Begonia spp., các loài Cao cẳng Ophiopogon spp., Chàm núi Strobilanthes multangulus, Ráy Alocasia macrorhiza, Lụi Rhapis cochinchinensis, các loài Nghể Polygonum spp. Các loài Dương xỉ cũng rất phổ biến Trang 10


tại đây như Dớn đen Adiantum flabellulatum, Cỏ luồng Pteris ensiformis, Ráng seo gà Pteris sp., Quyển bá Selaginella spp., Ráng yểm dực Tectaria spp. Thực vật ngoại tầng: Thực vật sống bám và nửa sống bám trên cây: Mức độ phong phú của dạng thực vật này trong kiểu phụ rừng kín thường xanh mưa mùa á nhiệt đới trên núi đá vôi bị tác động mạnh phụ thuộc vào độ ẩm nơi chúng sống. Thông thường, trên những sườn nam dốc có độ cao thấp và trung bình, chúng rất hiếm và không tạo nên bất kì quần xã quan trọng nào. Tuy nhiên, trên những sườn ẩm ướt của các thung lũng hẹp chúng rất đa dạng và phong phú. Tại những nơi như vậy, chúng tạo thành những đám lớn rất dễ nhận thấy trên tán và trên thân của những cây gỗ to. Lan và Dương xỉ là các loài thực vật bậc cao sống bì sinh phổ biến nhất trong kiểu rừng này. Các loại Dương xỉ: Tổ phượng Asplenium nidus, Tổ điểu Asplenium spp., Lưỡi mèo tai chuột Pyrrosia adnascens, Cốt toái bổ Drynaria fortunei. Các loài phụ sinh phổ biến khác được thấy ở đây là các loài dây Trầu rừng Piper spp., Ráy leo Pothos spp. Các loài mọc bám trên đá: mức độ phong phú và đa dạng của thực vật bám trên đá phụ thuộc vào độ ẩm nơi sống. Các loài thực vật bậc cao sống bám trên đá cũng rất phổ biến. Các loài quan trọng nhất được quan sát thấy ở đây là: Tóc thần Adiantum spp., Thu hải đường Begonia spp., Ráy leo Pothos sp., Lưỡi mèo tai chuột Pyrrosia adnascens. Các loại dây leo: Một loại dây leo thân gỗ hạt trần cũng hay gặp ở đây là Dây gắm Gnetum montanum. Có rất nhiều loại dây leo khác nhau mọc ở trong kiểu rừng này. Theo các dạng sống, các loại dây leo có thể được phân chia thành 3 nhóm chính: dây leo gỗ, dây leo thân thảo và dây leo kí sinh. Các loài dây leo gỗ quan trọng nhất ở đây là Dây móng bò Bauhinia sp., Dây sống rắn Caesalpinia sp., Dây sưa Dalbergia sp., Bàm bàm Entada phaseoloides, Dây cậm cang Smilax spp., Dây mã tiền Strichnos sp., cũng như các loài khác thuộc các họ Apocynaceae, Asclepiadaceae, Celastraceae, Fabaceae, Menispermaceae và Rubiaceae. Các dây leo thân thảo thường ngắn hơn và mọc điển hình ở các vách đá quang đãng. Nhóm này bao gồm các đại diện của các họ Convolvulaceae và Cucurbitaceae. Tại những nơi sống ẩm hơn thì có các loại dây Trầu rừng Piper spp., Ráy leo Pothos spp.

3. Kiểu phụ rừng thứ sinh nhân tác Tuỳ theo mức độ tác động của con người ở các khu vực khác nhau mà thành phần các loài cây của tầng cây gỗ A2 (ưu thế sinh thái) và tầng cây bụi, tầng cây cỏ, dây leo có sự thay đổi. Về cấu trúc, rừng thường chỉ có một tầng cây gỗ nhấp nhô không đều nhau ở các cấp tuổi khác nhau. Diện tích rừng này còn khá nhiều, phân bố trong các xã Hang Kia, Pà Cò, Tân Sơn thuộc phân khu phục hồi sinh thái của Khu BTTN. Tầng A2. Chỉ có lác đác một số cây gỗ to, cao còn sót lại trên đường dông và đường đỉnh như Thông pà cò Pinus kwangtungensis. Thành phần cây gỗ ở tầng này hầu hết là lớp cây ưa sáng mới được bổ sung thuộc các họ Euphorbiaceae, Clusiaceae, Lauraceae, Rubiaceae, Fagaceae, Elaeocarpaceae, v.v. làm cho rừng có kết cấu mới. Chiều cao trung bình Trang 11


của các cây gỗ của tầng này từ 6-10 m, đường kính trung bình từ 10-15 cm. Điển hình như các loài Đỏm lông Bridelia monoica, Đỏm gai Bridelia balansae, Côm rừng Elaeocarpus sylvestris, Re Cinnamomum spp., Ba soi Mallotus paniculatus, Sòi Sapium spp., Dẻ gai Castanopsis spp., Sồi Lithocarpus spp., Chẹo tía Engelhardtia roxburghiana, Bời lời Litsea balansae, Kháo nước Phoebe pallida, Thôi ba Alangium chinense, Phân mã Archidendron spp., Bứa Garcinia spp., Trâm Syzygium spp. Tuy nhiên, ở khu vực xóm Hang Kia, xã Hang Kia thì tham gia vào tầng A2 này còn có nhiều cá thể của loài Pơ mu Fokienia hodginsii, Bách xanh Calocedrus macrolepis, một số Thông đỏ bắc Taxus chinensis, Thông pà cò Pinus kwangtungensis, Re hương Cinnamomum parthenoxylon. Tầng cây bụi B. Chủ yếu gồm một số loài thuộc các họ như Sterculiaceae, Malvaceae, Euphorbiaceae, Rutaceae, Rubiaceae, Rhamnaceae, v.v. Điển hình như các loài Đom đóm Alchornea spp., Bồ cu vẽ Breynia fruticosa, Bọt ếch Glochidion hirsutum, Ba bét Mallotus apelta, Thao kén Helicteres spp., Lấu Psychotria rubra, Ba gạc Evodia lepta, Mâm xôi Rubus alcaefolius, v.v. Tầng cây cỏ C. Chủ yếu các loài thuộc họ Poaceae, Asterceae, Schizaeaceae, Pteridaceae, Thelypteridaceae như Ráng Pteris spp., Bòng bong Lygodium spp., Dương xỉ thường Christella parasitica, Cỏ lào Eupatorium odoratum, Cỏ lá tre Centosteca latifolia, Cỏ chít Thysanolaena maxima, Cỏ lau Erianthus arundinaceus, v.v. Thực vật ngoại tầng. Gồm một số loài dây leo thuộc các họ Schizaeaceae, Convolvulaceae, Dioscoreaceae, Smilacaceae, Asclepiadaceae, Rubiaceae, Annonaceae, Apocynaceae, Fabaceae, v.v. như Bòng bong lá to Lygodium conforme, Bòng bong lá nhỏ Lygodium flexuosum, Bòng bong nhiều bông Lygodium polystachyum, Bòng bong leo Lygodium scandens, Bòng bong nhật bản Lygodium japonicum, Hà thủ ô trằng Streptocaulon juventas, Củ nâu Dioscorea spp., Dây kim cang Smilax spp., Dây móc câu Uncaria spp., Dây hoa giẻ Desmos chinensis, Dây dất na Desmos spp., Bìm bìm Merremia spp., v.v.

Trang 12


Phần III. ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN 1. Các loại thảm thực vật và ý nghĩa bảo tồn Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy thảm thực vật tại KBTTN Hang Kia – Pà Cò thuộc kiểu rừng kín lá rộng thường xanh á nhiệt đới núi thấp được chia làm 3 kiểu phụ. Kiểu phụ rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp trên núi đá vôi chiếm diện tích lớn nhất của Khu bảo tồn. Diện tích còn lại thuộc về các kiểu phụ rừng thứ sinh nhân tác. Tổng diện tích của 2 kiểu thảm thực vật này là 4.882,75 ha. Thứ tự ưu tiên bảo tồn cho các kiểu rừng như sau: 1. Kiểu phụ rừng thứ nhất cần ưu tiên bảo tồn là kiểu phụ rừng kín thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp trên núi đá vôi bị tác động nhẹ đến vừa tập trung chủ yếu ở các xã Pà Cò, Cun Pheo thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của KBTTN. Kiểu phụ rừng này còn giữ được nhiều đặc trưng của rừng trên núi đá vôi, một loại hình thảm thực vật không còn nhiều lắm ở Việt Nam, đó là sự phân bố của các loài cây gỗ nguy cấp, quý hiếm như Nghiến Excentrodendron tonkinense, Trai lý Garcinia fagraeoides. Ngoài ra, kiểu phụ rừng này còn có phân bố của nhiều loài thực vật nguy cấp, thực vật đặc hữu, thực vật có giá trị kinh tế cao và nhiều loài dược liệu như: Thông pà cò Pinus kwangtungensis, Thông đỏ bắc Taxus chinensis, Thông tre lá ngắn Podocarpus pilgeri, Thông tre lá dài Podocarpus neriifolius, Re hương Cinnamomum parthenoxylon, Mun Diospyros mun, Song mật Calamus platyacanthus, Cốt toái bổ Drynaria fortunei, Bổ béo đen Goniothalamus vietnamensis, Khôi tía Ardisia silvestris, Huyết đằng Sargentodoxa cuneata, v.v. Đây là kiểu phụ rừng có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, bảo tồn nguồn gen cây quí hiếm, phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái – nhân văn, bảo vệ cảnh quan môi trường sống. 2. Kiểu phụ rừng thứ hai là kiểu phụ rừng kín lá rộng thường xanh á nhiệt đới núi thấp trên núi đá vôi bị tác động mạnh thuộc các xóm Thung Ẳng, Thung Mặn của xã Hang Kia. Kiểu phụ rừng này còn giữ được nhiều đặc trưng của rừng trên núi đá vôi. Kiểu phụ rừng này cũng là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng thực vật rất cao, với đầy đủ các dạng sống khác nhau, từ những cây gỗ lớn tạo thành tầng tán rừng, tới những cây bụi, cây cỏ, dây leo, thực vật phụ sinh. Đây cũng là nơi phân bố của nhiều loài thực vật nguy cấp, quí hiếm của Việt Nam cũng như thế giới, có giá trị kinh tế cao, nhiều loài dược liệu quí. Điển hình như các loài Nghiến Excentrodendron tonkinense, Cốt toái bổ Drynaria fortunei, Khôi tía Ardisia silvestris, Bách xanh Calocedrus macrolepis, v.v. Kiểu phụ rừng này đặc biệt có ý nghĩa cho công tác bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, bảo tồn nguồn gen thực vật nguy cấp, quí hiếm; phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo tồn môi trường sinh thái cảnh quan trong vùng núi đá vôi. 3. Kiểu phụ rừng thứ ba được ưu tiên bảo tồn là kiểu phụ rừng thứ sinh nhân tác trên núi đá vôi thuộc xóm Hang Kia, xã Hang Kia. Mặc dù rừng đã bị tác động rất mạnh, thành Trang 13


phần thực vật của tầng A2 chủ yếu là cây ưa sáng, nhưng tham gia vào tầng này còn rất nhiều cá thể của các loài có giá trị bảo tồn cao như Pơ mu Fokienia hodginsii, Bách xanh Calocedrus macrolepis, Re hương Cinnamomum parthenoxylon, một số cá thể Thông đỏ bắc Taxus chinensis, và các cá thể trưởng thành của Thông pà cò Pinus kwangtungensis. Kiểu phụ rừng này đặc biệt có ý nghĩa cho công tác bảo tồn nguồn gen thực vật nguy cấp, quí hiếm; phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo tồn môi trường sinh thái cảnh quan trong vùng núi đá vôi. 4. Kiểu phụ rừng thứ tư được ưu tiên bảo tồn là kiểu phụ rừng kín thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp trên núi đá vôi bị tác động mạnh thuộc xã Tân Sơn. Kiểu phụ rừng này cũng là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng thực vật rất cao, với đầy đủ các dạng sống khác nhau, từ những cây gỗ lớn, tới những cây bụi, cây cỏ, dây leo, thực vật phụ sinh. Trong kiểu phụ này, rừng có cấu trúc hai tầng cây gỗ. Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều loài cây gỗ lớn, cao to tham gia vào tầng tán rừng như Sâng Pometia pinnata, Gội Aglaia sp., Nhội Bischofia javanica, Đa Ficus sp., Nhãn rừng Dimocarpus fumatus, Đại phong tử Hydnocarpus anthelminthica, Trai Garcinia fagraeoides, v.v. Nhiều loài cây quí hiếm cũng phân bố ở đây. Hiện nay, kiểu phụ rừng này vẫn đang tiếp tục bị tác động. Đây là phần diện tích rừng trên núi đá vôi còn ít ỏi của xã Tân Sơn. Cần ưu tiên bảo vệ môi trường sinh thái cảnh quan. Mặc dù có ý nghĩa bảo tồn rất lớn, nhưng những kiểu thảm thực vật này hiện tại đang phải đối mặt với những áp lực rất lớn, đó là: - Sự gia tăng trong vấn đề sử dụng tài nguyên rừng: chủ yếu là khai thác các loài thực vật cho gỗ phục vụ mục đích dân sinh của cộng đồng địa phương như làm nhà, lấy gỗ củi. Chỉ riêng xã Pà Cò, với trên 350 hộ dân, trung bình mỗi hộ gia đình mỗi năm sử dụng hết khoảng 2,5- 3 Ster củi để sinh hoạt thì tổng số củi cần dùng trong 1 năm ở xã Pà Cò sẽ là 875- 1050 Ster củi. Chưa kể đến lượng gỗ củi người dân các xã Hang Kia, Tân Sơn và các xã vùng đệm. Hơn nữa dân số sống trong Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò nhiều, bao gồm 4951 khẩu thuộc 3 xã Tân Sơn, Hang Kia và Pà Cò. Sức ép của cộng đồng vào rừng ngày càng gia tăng. Đây thực sự là một vấn đề thách thức lớn cho việc quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Khu BTTN. - Nạn khai thác gỗ trái phép trong khu bảo tồn: ngay cả hai loài cây quí hiếm là Trai lý Garcinia fagraeoides và Nghiến Excentrodendron tonkinense, đặc trưng cho rừng trên núi đá vôi, thuộc nhóm IIA trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP, vẫn đang bị chặt hạ rất nhiều. Điển hình như ở khu vực ven đường quốc lộ 6 thuộc xã Pà Cò, rất nhiều cây Trai lý thuộc tầng ưu thế sinh thái bị khai thác làm phá vỡ tầng tán và cấu trúc của rừng, tạo ra nhiều khoảng trống rất lớn. Khu vực xã Cun Pheo, phía trên đường du lịch sinh thái từ Hang Kia sang Cun Pheo và khu vực Thung Ẳng, xã Hang Kia rừng cũng đang trong tình trạng tương tự như ở Pà Cò. Rất nhiều cây Trai lý, Thông tre, Nghiến đang hàng ngày bị khai thác.

Trang 14


- Nằm trong khu vực giáp ranh với tỉnh Sơn La và Thanh Hóa, vì vậy có hiện tượng người dân ở hai tỉnh này sang Khu Bảo tồn khai thác trái phép các lâm sản ngoài gỗ trong đó có phong lan. Kiểm soát hiệu quả việc khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên là yêu cầu cấp bách nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường sống trong khu vực. Những nghiên cứu sâu hơn và việc giám sát những khu rừng ở Hang Kia – Pà Cò cả về phương diện đa dạng sinh học cũng như bảo tồn chúng là hết sức cần thiết.

2. Hệ thực vật và ý nghĩa bảo tồn A. Đa dạng các taxon thực vật Hệ thực vật trong Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò khá phong phú và đa dạng. Kết quả điều tra thực địa ở khu vực đã lập được danh lục thực vật tại phụ lục 2. Tên khoa học của các loài cây được chỉnh lý theo “Danh lục các loài thực vật Việt Nam”. Danh lục thực vật được xây dựng theo hệ thống phân loại Brummitt (1992) kết hợp luật danh pháp quốc tế về thực vật (Luật Tokyo 1994). Thứ tự các ngành được xếp theo phân loại từ ngành Khuyết lá thông (Psilotophyta), Thông đất (Lycopodiophyta), Cỏ tháp bút (Equisetophyta), Dương xỉ (Polypodiophyta), Thông (Pinophyta) và Ngọc lan (Magnoliophyta). Ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) được chia ra hai lớp Ngọc lan (Magnoliopsida) và Loa kèn (Liliopsida). Các họ trong từng ngành, các chi trong từng họ và các loài trong từng chi được xếp theo thứ tự ABC. Trong danh lục thể hiện được tên khoa học, tên Việt Nam, tình trạng bảo tồn theo Nghị định 32/NĐ-CP/2006 của Chính phủ Việt Nam; Sách đỏ Việt Nam (2007); Danh lục đỏ thế giới (IUCN Red List of Threatened Species). Bảng 3. Thành phần và tỷ lệ phần trăm của các taxon thực vật của Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò TT

Ngành và Lớp

Họ

Chi

Loài

Số họ 1

Tỷ lệ % 0,65

Số chi 1

Tỷ lệ % 0,20

Số loài 1

Tỷ lệ % 0,11

1

Psilotophyta

2

Lycopodiophyta

2

1,31

3

0,60

8

0,91

3

Equisetophyta

1

0,65

1

0,20

1

0,11

4

Polypodiophyta

17

11,11

26

5,20

51

5,80

5

Gymnospermae

6

3,92

10

2,00

11

1,25

6

Magnoliophyta

126

82,35

459

91,80

808

91,82

Magnoliopsida

106

69,28

398

79,60

710

80,68

Liliopsida

20

13,07

61

12,20

98

11,14

153

100

500

100

880

100

Tổng số

Kết quả khảo sát đã xác định được thành phần và tỷ lệ phần trăm của các taxon thực vật của Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò theo Bảng 3. Bảng 3 chỉ rõ hệ thực vật ở Khu BTTN Trang 15


Hang Kia - Pà Cò bao gồm 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó ngành Ngọc Lan (Magnoliophyta) chiếm ưu thế nhất cả về số họ (82,35%), số chi (91,97%), số loài (91,91%). Trong ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) thì lớp Ngọc Lan (Magnoliopsida) chiếm ưu thế hơn. Bảng 4. So sánh Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò với các khu vực khác ở Việt Nam Vườn quốc gia / Khu BTTN

Loài

Chi

Họ

Hang Kia – Pà Cò

880

500

153

Ngọc Sơn – Ngổ Luông

667

373

140

Ba Bể

417

300

114

Ba Vì

812

472

99

250

Bạch Mã

1406

635

170

108

Bến En

870

412

134

177

Cát Bà

745

495

149

350

Côn Đảo

882

562

161

165

Cúc Phương

1983

915

229

Tam Đảo

904

478

213

80

Yok Đôn

464

97

64

Việt Nam

11.238

327

3.850

2.435

Cây thuốc 177

So sánh với nhiều Khu bảo tồn và Vườn quốc gia khác ở Việt Nam thì hệ thực vật ở Hang Kia - Pà Cò cũng khá đa dạng về thành phần thực vật (bảng 4). Hệ thực vật Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò không những đa dạng về taxon ngành và lớp mà còn đa dạng về các họ thực vật. Tại khu vực có 19 họ thực vật có từ 10 loài trở lên. Trong đó họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) chiếm số lượng lớn nhất với 26 chi và 44 loài. Các họ thực vật giàu loài nhất ở khu vực nghiên cứu được thể hiện qua Bảng 5. Bảng 5. Các họ thực vật giàu loài nhất ở Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò TT

Tên khoa học

Số chi

Số loài

1

Euporbiaceae

26

44

2

Asteraceae

15

28

3

Lauraceae

11

28

4

Moraceae

6

26

5

Rubiaceae

14

23

6

Araliaceae

8

18

7

Annonaceae

7

15

8

Fabaceae

7

15

9

Orchidaceae

8

14

10

Rutaceae

6

14 Trang 16


TT

Tên khoa học

Số chi

Số loài

11

Poaceae

13

13

12

Apocynaceae

10

13

13

Caesalpiniaceae

5

13

14

Arecaceae

7

12

15

Verbenaceae

6

12

16

Mimosaceae

6

11

17

Fagacaee

3

11

18

Sterculiaceae

5

10

19

Araceae

5

10

B. Đa dạng các loài thực vật nguy cấp và các loài thực vật có giá trị kinh tế cao Đa dạng các loài thực vật nguy cấp và thực vật đặc hữu Hệ thực vật ở Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò không những đa dạng về thành phần loài mà còn đa dạng về giá trị sử dụng tài nguyên rừng, đa dạng các loài cây bị đe doạ. Ở khu vực khảo sát đã ghi nhận được 42 loài thực vật đang bị đe doạ (Bảng 6). Trong đó có: - 35 loài thực vật được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (Phần Thực vật, 2007) bao gồm 1 loài rất nguy cấp (CR) là Re hương Cinnamomum parthenoxylon; 15 loài đang nguy cấp (EN), điển hình như Pơ mu Fokienia hodginsii, Bách xanh Calocedrus macrolepis, Cốt toái bổ Drynaria fortunei, Nghiến Excentrodendron tonkinense, Trai Garcinia fagraeoides, Mun Diospyros mun, v.v và 20 loài sẽ nguy cấp (VU); - 16 loài được xếp trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP bao gồm 3 loài thuộc nhóm IA là Thông Pà Cò Pinus kwangtungensis, Lan Kim tuyến Anoectochilus setaceus, Lan Hài xanh Paphiopedilum malipoense; 13 loài thuộc nhóm IIA, điển hình như Re hương Cinnamomum parthenoxylon, Pơ mu Fokienia hodginsii, Bách xanh Calocedrus macrolepis, Nghiến Excentrodendron tonkinense, Trai Garcinia fagraeoides, Thiên tuế Cycas collina, Thông đỏ bắc Taxus chinensis. - 13 loài được xếp trong Danh lục đỏ thế giới IUCN trong đó có 1 loài rất nguy cấp là Mun Diospyros mun; 2 loài đang nguy cấp là Nghiến Excentrodendron tonkinense và Chò đãi Annamocarya sinensis. Bảng 6. Danh sách thực vật bị đe doạ ở Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò Tình trạng bảo tồn TT

1

Tên Khoa học

Cinnamomum parthenoxylon

Tên Việt Nam

Re hương

NĐ32

IIA

SĐVN 2007

IUCN

CR A1,a,c,d Trang 17


Tình trạng bảo tồn

2

Fokienia hodginsii

Pơ mu

IIA

EN A1,a,c,d

3

Anoectochilus setaceus

Kim tuyến

IA

EN A1,a,c,d

4

Calocedrus macrolepis

Bách xanh

IIA

EN A1,a,c,d, B1+2b,c

5

Acanthopanax trifoliatus

Ngũ gia bì gai

EN A1,a,c,d+2c,d

6

Drynaria fortunei

Cốt toái bổ

EN A1,c,d

7

Lithocarpus cerebrinus

Sồi phảng

EN A1,c,d

8

Tetrapanax papyriferus

Thông thảo

EN A1,c,d

9

Nervilia fordii

Lan một lá

IIA

EN A1,d+2d

10

Paphiopedilum malipoense

Lan hài xanh

IA

EN A1a,c,d+2d

11

Stephania cepharantha

Bình vôi

IIA

EN A1a,b,c,d

12

Excentrodendron tonkinense

Nghiến

IIA

EN A1a-d+2c,d

13

Garcinia fagraeoides

Trai lý

IIA

EN A1c,d

14

Diospyros mun

Mun

EN A1c,d, B1+2a

15

Cymbidicum insigne

Lan kiếm đại

EN A1d+b1+2b,c,e

16

Annamocarya sinensis

Chò đãi

EN B1+2c,d,e

17

Amentotaxus argotaenia

Dẻ tùng sọc trắng

18

Strychnos umbellata

Mã tiền tán

VU A1,a,c

19

Canarium tramdenum

Trám đen

VU A1,a,c,d +2d

20

Goniothalamus vietnamensis

Bổ béo đen

VU A1,a,c,d, B1+2b,e

21

Cycas collina

Thiên tuế

22

Taxus chinensis

Thông đỏ bắc

23

Drynaria bonii

Tắc kè đá

24

Pinus kwangtungensis

Thông pà cò

25

Aglaia spectabilis

Gội nếp

LR/NT (1998) VU B1+2b (2000)

EN A1d (1998) CR A1cd (1998)

EN B1+2cde (1998) VU A1c (1998)

VU A2c (2004) IIA

VU A1a,c,B1+2b,c

LR/LC (1998)

VU A1a,c,d IA

VU A1a,c,d, B1+2b,c,e

LR/NT (1998)

VU A1a,c,d+2d Trang 18


Tình trạng bảo tồn

26

Ardisia silvestris

Khôi tía

VU A1a,c,d+2d

27

Protium serratum

Cọ phèn

VU A1a,d+2d, B1+2a

28

Cinnamomum balansae

Vù hương

29

Castanopsis hystrix

Dẻ gai đỏ

30

Disporopsis longifolia

Hoàng tinh cách

31

Michelia balansae

Giổi bà

VU A1c,d

32

Quercus chrysocalyx

Dẻ đấu vàng

VU A1c,d

33

Quercus platycalyx

Dẻ cau

VU A1c,d

34

Calamus platyacanthus

Song mật

VU A1c,d+2c,d

35

Stemona cochinchinensis

Bách bộ nam

VU B1+2b,c

36

Stephania dielsiana

Củ dòm

IIA

VU B1+2b,c

37

Markhamia stipullata

Thiết đinh

IIA

VU B1+2e

38

Podocarpus neriifolius

Thông tre lá dài

LR/LC (1998)

39

Podocarpus pilgeri

Thông tre lá ngắn

LR/LC (2000)

40

Amesiodendron chinense

Trường mật

LR/NT (1998)

41

Nageia fleuryi

Kim giao

NT (2007)

42

Fibraurea tinctoria

Hoàng đằng

IIA

VU A1c VU A1c,d

IIA

VU A1c,d

IIA

Hiện trạng của một số loài thực vật nguy cấp tại KBTTN Hang Kia – Pà Cò 1. Thông Pà Cò Pinus kwangtungenssis Chun ex Tsiang Thông Pà Cò là loài thông năm lá đặc hữu hẹp của miền Bắc Việt Nam và Nam Trung Hoa. Ở Khu BTTN Thông Pà Cò phân bố rải rác trên các đỉnh núi hoặc sườn dông của các xã Pà Cò và Hang Kia thuộc cả Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và Phân khu phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn. Hầu hết là những cây trưởng thành, có kích thước lớn. Thường chúng tập trung từ vài cá thể cho đến vài chục cá thể trên đường đỉnh của một dãy núi kéo dài. Tập trung nhiều trên đỉnh các núi Pà Cò của xã Pà Cò và núi Hang Kia của xã Hang Kia. Tình trạng bảo tồn của loài Thông Pà Cò ở Khu bảo tồn hiện nay là khá tốt. Tuy khả năng tái sinh tự nhiên của chúng không cao song hầu hết những cây trưởng thành đều đang sinh trưởng tốt và được bảo vệ tốt. Quá trình khảo sát đã chỉ ghi nhận được một cây Thông Pà Cò bị chặt hạ trong những năm gần đây tại núi Hang Kia thuộc xã Hang Kia của Khu BTTN. Tuy nhiên, vẫn cần có các nghiên cứu để bảo tồn chuyển chỗ cho loài Thông Pà Cò. 2. Nghiến Excentrodendron tonkinense (Gagnep.) Chang & Miau

Trang 19


Có thể gặp Nghiến phân bố ở cả Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt hoặc phân khu phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn thuộc các xã Hang Kia, Cun Pheo. Chúng được gặp nhiều ở Thung Ẳng, Thung Mặn của xã Hang Kia thuộc phân khu phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn. Hầu hết là cây lớn, đường kính trung bình tới 60 cm, cao trung bình 20-25m; có nhiều cá thể kích thước rất lớn, đường kính trên 100 cm. Ước tính còn tới 2000 cây nghiến ở khu vực. Tuy nhiên, hiện nay chúng đang bị khai thác mạnh. Nếu không có biện pháp bảo vệ hữu hiệu, thì rất có thể những cánh rừng nghiến như thế này sẽ không còn trong tương lai không xa ở KBTTN Hang Kia – Pà Cò. 3. Trai lý Garcinia fagraeoides A. Chev. Trai lý phân bố ở các xã Tân Sơn, Pà Cò, Hang Kia, Cun Pheo của Khu bảo tồn. Chúng được gặp nhiều nhất tập trung ở Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc xã Pà Cò, rồi đến Cun Pheo. Hầu hết là cây lớn, đường kính trung bình tới 60 cm, cao trung bình 20-25m; có nhiều cá thể kích thước rất lớn, đường kính trên 100 cm. Ước tính còn tới hàng nghìn cây Trai lý ở Khu bảo tồn. Khả năng tái sinh của Trai lý cũng rất mạnh. Thường gặp Trai lý trên các đỉnh hoặc sườn núi đá vôi hiểm trở. Chúng còn rải rác vài cây trên mỗi đỉnh núi nhỏ. Có những khu vực, Trai lý phân bố tập trung thành từng đám dày đặc vài chục cây trên một ngọn núi. Điển hình như khu vực gần quốc lộ 6 thuộc xã Pà Cò, cách trung tâm Ban quản lý Khu bảo tồn khoảng 10 Km. Tuy nhiên, hiện nay chúng đang bị khai thác rất mạnh tại những nơi này, khu vực xã Pà Cò và Cun Pheo, thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn. Cần có những biện pháp bảo vệ hữu hiệu hơn nữa, để giữ lại những cánh rừng Trai quí hiếm như vậy, một đặc trưng của kiểu thảm thực vật rừng trên núi đá vôi, mà không còn nhiều ở Hang Kia – Pà Cò nói riêng và ở Hòa Bình hay Việt Nam nói chung. 4. Thông đỏ bắc Taxus chinensis (Pilg.) Rehd. Thông đỏ phân bố rải rác ở một số điểm thuộc xã Pà Cò và Hang Kia, trên gần đỉnh núi đá vôi. Điển hình như khu vực núi Pà Cò và núi Hang Kia, đã gặp vài cá thể Thông đỏ phân bố, cây nhỏ đường kính 20-30cm. Chúng mọc xen cùng một số loài như Thông Pà Cò, Thông tre lá ngắn, Re hương, các loại sồi dẻ, Pơ mu, Bách xanh, v.v. Hiện tại số lượng cá thể Thông đỏ không nhiều (khoảng vài chục cây), khả năng tái sinh rất thấp (hầu như không thấy cây con tái sinh). Nếu không được bảo vệ hữu hiệu, rất có thể loài Thông đỏ ở khu vực này sẽ bị tuyệt chủng trong tương lai không xa. Với giá trị tiềm năng là nguồn cung cấp chất taxol chữa ung thư nghiên cứu bảo tồn loài Thông đỏ là vấn đề cấp bách cho Khu BTTN. 5. Re hương Cinnamomum parthenoxylon (Jack) Meisn. Bắt gặp Re hương ở một số điểm thuộc xã Pà Cò, Hang Kia, thuộc rừng tự nhiên đã bị tác động mạnh hoặc rừng phục hồi. Hiện tại chưa gặp cây lớn, chỉ bắt gặp cây nhỏ hoặc cây tái sinh. Khu vực có Re hương phân bố nhiều nhất thuộc núi Hang Kia của xã Hang Kia. Chúng thường phân bố cùng Pơ mu, Bách xanh, Thông Pà Cò hoặc Thông Đỏ. Khả năng tái sinh chồi rất mạnh, tái sinh hạt kém. Cần nghiên cứu bảo tồn tại chỗ, hoặc chuyển chỗ loài Re hương. Trang 20


6. Bách xanh Calocedrus macrolepis Kurz Chỉ gặp Bách xanh tại 2 điểm ở xã Hang Kia thuộc phân khu phục hồi sinh thái của KBTTN, một điểm ở núi Hang Kia thuộc xóm Hang Kia, một điểm ở xóm Thung Ẳng. Hiện tại những cá thể Bách xanh ở đây đều là những cây tái sinh, hoặc cây nhỏ. Không bắt gặp cây lớn. Những cá thể Bách xanh trưởng thành hầu hết đã bị khai thác từ rất lâu, hiện tại chỉ còn lại một số gốc cây của chúng. Tuy nhiên, mật độ tái sinh ở đây khá cao và chúng sinh trưởng rất tốt. Thường gặp Bách xanh trên đường dông hoặc đỉnh núi ở các khu vực này, thuộc kiểu rừng thứ sinh bị tác động mạnh đến rất mạnh. Có thể nghiên cứu bảo tồn tại chỗ hoặc bảo tồn chuyển chỗ loài Bách xanh ở khu vực. 7. Pơ mu Fokienia hodginsii A. Henry & Thomas Chỉ gặp Pơ mu ở khu vực núi Hang Kia thuộc xã Hang Kia thuộc phân khu phục hồi sinh thái của KBTTN. Hiện tại những cá thể Pơ mu ở đây đều là những cây tái sinh, hoặc cây nhỏ, không gặp cây lớn. Pơ mu tái sinh khá mạnh với mật độ cao và sinh trưởng rất tốt. Chúng thường mọc trên đường dông hoặc đỉnh núi ở khu vực này. Cần nghiên cứu bảo tồn tại chỗ hoặc bảo tồn chuyển chỗ loài Pơ mu ở khu vực. 8. Cốt toái bổ Drynaria fortunei (Kuntze ex Mett.) J. Smith Có thể gặp Cốt toái bổ ở cả Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt hoặc phân khu phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn, trên các tảng đá hoặc trên cây, ở những nơi ẩm cao, độ tàn che của rừng lớn. Cây thường phân bố thưa thớt, vài cây tại mỗi điểm, các điểm gặp cây cũng không nhiều. Gặp nhiều Cốt toái bổ ở khu vực rừng nghiến thuộc Thung Ẳng xã Hang Kia. Cần bảo vệ nghiêm ngặt loài Cốt toái bổ ở Khu BTTN. 9. Củ dòm Stephania dielssiana C. Y. Wu Củ dòm được bắt gặp ở vài nơi thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn, ở những nơi ẩm, dưới tán rừng kín thường xanh trên núi đá vôi, độ tàn che cao. Tần số bắt gặp loài là thấp. Tình trạng bảo tồn của loài ở Khu bảo tồn là rất thấp. Cần nghiên cứu gây trồng, bảo tồn chuyển chỗ loài Củ dòm, tạo nguồn dược liệu cho thị trường. 10. Hoàng tinh cách Disporopsis longifolia Craib Hoàng tinh cách phân bố phân tán ở một số điểm thuộc xã Pà Cò và Cun Pheo thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn. Bắt gặp Hoàng tinh cách ở những nơi đất ẩm, dưới tán rừng rậm, độ tàn che của rừng lớn trên 0.85. Thường chúng mọc rải rác trong rừng với mật độ thấp, chỉ vài cá thể/ha. Khả năng tái sinh mạnh. Tình trạng bảo tồn của loài ở Khu bảo tồn là rất thấp. Cần nghiên cứu gây trồng, bảo tồn chuyển chỗ loài Hoàng tinh cách. 11. Khôi tía Ardisia silvestris Pitard Khôi tía phân bố khá rộng, rải rác trong KBTTN dưới tán rừng tự nhiên bị tác động nhẹ đến vừa, ở những nơi ẩm ướt, thuộc các xã Pà Cò, Cun Pheo. Có thể gặp chúng ở các xã

Trang 21


Tân Sơn, Hang Kia. Hiện tại, chúng còn khá nhiều trong rừng. Cần nghiên cứu gây trồng Khôi tía trong vườn cây thuốc của các hộ gia đình tạo nguồn dược liệu cho thị trường. 12. Thiên tuế Cycas collina Hill, Nguyen & Phan Thiên tuế phân bố lác đác ở một vài điểm trong Khu bảo tồn, trên các sườn dông núi. Cần bảo vệ nghiêm ngặt loài Thiên tuế, tránh để khai thác làm cảnh. 13. Mun Diospyros mun A. Chev. ex Lecomte Mun phân bố lác đác ở một số điểm thuộc xã Pà Cò và Cun Pheo thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn. Chưa gặp cây lớn, chỉ bắt gặp một số cây nhỏ hoặc cây tái sinh. Tình trạng bảo tồn của loài ở Khu bảo tồn là rất thấp. Có thể nghiên cứu bảo tồn chuyển chỗ loài Mun ở Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò. 14. Song mật Calamus platyacanthus Warb. ex Becc. Song mật phân bố rải rác trong KBTTN dưới tán rừng tự nhiên ở một số nơi thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc các xã Pà Cò, Cun Pheo. Mật độ phân bố và tần số bắt gặp thấp. Chỉ gặp chúng tại vài điểm trong quá trình khảo sát. Có thể nghiên cứu trồng làm giàu rừng bằng Song mật ở một số trạng thái rừng thứ sinh nghèo trên núi đất của Khu bảo tồn. 15. Lan Hài xanh Paphiopedilum malipoense Chen & Tsi Lan Hài xanh mọc bám nhiều trên các vách đá ở gần và trên dông các núi đá vôi dưới tán những cây lá kim lớn như Thông pà cò, Thông đỏ. Loài có hoa và lá đẹp nên thường bị thu hái làm cảnh. Số lượng Hài xanh ở Khu BTTN không còn nhiều cho dù loài sinh trưởng và phát triển tốt ở đây. 16. Dẻ tùng sọc trắng Amentotaxus argotaenia (Hance) Pilg. Mặc dù Dẻ tùng sọc trắng không được đưa vào danh mục Sách đỏ Việt Nam 2007 như trước đây nhưng trên thế giới (IUCN) đây vẫn được coi là một loài cây có nguy cơ bị đe dọa cao cần được bảo vệ. Ở khu vực dông núi đá vôi thuộc xã Pà Cò lần đầu tiên bắt gặp một cá thể riêng lẻ Dẻ tùng sọc trắng nhỏ, đường kính gốc 10cm, cao 2m. Trong Khu BTTN còn có có thể có những cá thể khác nhưng khó tìm do đặc điểm của loài mọc rất phân tán dưới tán rừng. Đây là nguồn gen độc đáo, cây đẹp có thể làm cảnh tốt, cần được quan tâm bảo vệ.

Đa dạng các loài thực vật có giá trị kinh tế cao Các loài cây cho gỗ: tập trung chủ yếu ở các họ thực vật Aceraceae, Anacardiaceae, Annonaceae, Bignoniaceae, Burseraceae, Caesalpiniaceae, Clusiaceae, Dipterocarpaceae, Ebenaceae, Elaeocarpaceae, Euphorbiaceae, Fabaceae, Fagaceae, Lauraceae, Magnoliaceae, Meliaceae, Mimosaceae, Moraceae, Myrtaceae, Rosaceae, Rubiaceae, Sapindaceae, Sterculiaceae, Tiliaceae, v.v. Một số loài thực vật cho gỗ điển hình còn có ở khu vực như: Gội nếp - Aglaia spectabilis (Meliaceae) Trang 22


Chò nhai - Anogeissus acuminata (Combretaceae ) Bộp lông - Actinodaphne pilosa (Lauraceae) Bản xe - Albizzia lucidior (Mimosaceae) Chắp - Beilschmiedia sp. (Lauraceae) Nhãn rừng - Dimocarpus fumatus (Sapindaceae) Thị rừng - Diospyros sp. (Ebenaceae ) Phay sừng - Duabanga grandiflora (Sonneratiaceae) Côm - Elaeocarpus spp. (Elaeocarpaceae) Trai lý - Garcinia fagraeoides (Clusiaceae) Cui rừng lá to - Heritiera macrophylla (Sterculiaceae) Nghiến - Excentrodendron tonkinense (Tiliaceaea) Mỡ - Manglietia conifera (Magnoliaceae) Sâng - Pometia pinnata (Sapindaceae) Trâm trắng - Syzygium wightianum (Myrtaceae ) Chò nhai - Terminalia myriocarpa (Combretaceae) Các loài cây cho thuốc: tập trung ở các họ Araliaceae, Asteraceae, Euphorbiaceae, Loganiaceae, Menispermaceae, Rubiaceae, Verbenaceae, Convallariaceae, Smilacaceae, Costaceae, Amaranthaceae, Zingiberaceae, Polypodiaceae, v.v. Một số loài thực vật cho thuốc đang có ở khu vực như: Cỏ xước - Achyranthes aspera (Amaranthaceae) Khôi tía - Ardisia silvestris (Myrsinaceae ) Trám đen - Canarium tramdenum (Burseraceae) Cẩu tích - Cibotium barometz (Dicksoniaceae ) Mía dò - Costus tonkinensis (Costaceae) Cốt toái bổ - Drynaria fortunei (Polypodiaceae) Bàm bàm - Entada phaseoloides (Mimosaceae) Bổ béo đen - Goniothalamus vietnamensis (Annonaceae) Cỏ tranh - Imperata cylindrica (Poaceae) Chè vằng - Jasminum subtriplinerve (Oleaceae) Gối hạc - Leea rubra (Leeaceae) Cao cẳng - Ophiopogon dracaenoides (Convallariaceae) Núc nác - Oroxylum indicum (Bignoniaceae) Bảy lá một hoa - Paris chinensis (Trilliaceae) Phèn đen - Phyllanthus reticulatus (Euphorbiacea) Huyết đằng - Sargentodoxa cuneata (Sargentodoxaceae) Trang 23


Thảo quyết minh - Senna tora (Caesalpiniaceae) Bách bộ nam - Stemona cochinchinensis (Stemonaceae) Hà thủ ô trắng - Streptocaulon juventas (Asclepiadaceae) Dây đau xương - Tinospora sinensis (Menispermaceae) Các loài cho lâm sản ngoài gỗ khác: Một số loài được dùng làm cây cảnh, cây bóng mát như: Đa, Sung, Si, Sanh Ficus spp., Đùng đình các loại Caryota spp., Lim xẹt Peltophorum dasyrrhachis, Ruối Streblus asper, Nhội Bischofia javanica, Hoa trứng gà Magnolia coco, Dây hoa dẻ Desmos cochinchinensis, v.v. Các loại cây thân thảo làm cảnh có thể kể đến phong lan Orchidaceae, Thu hải đường Begonia spp., Khổ cử đại Gesneriaceae. Một số loài cho sợi như: Dướng Broussonetia papyrifera, Hu đay Trema orientalis, Lò bo Brownlowia tabularis, Niệt gió Wikstroemia indica, Thao kén đực Helicteres angustifolia, Thao kén Helicteres hirsuta, Bùm bụp Mallotus barbatus, Cỏ tranh Imperata cylindrica, v.v. Một số loài cho tinh dầu: Hoa trứng gà Magnolia coco, các loài Re Cinnamomum spp., các loài bời lời Litsea spp., Dây hoa dẻ Desmos cochinchinensis, v.v. Một số loài cho nhựa: Máu chó lá to Horsfieldia amygdalina, các loài Bứa Garcinia spp., các loài trám Canarium spp., Sơn ta Toxicodendron succedanea, v.v. Một số loài cho bột như: Củ nâu, Củ mài Dioscorea spp., Cẩu tích Cibotium barometz, Dẻ gai Castanopsis sp., v.v. Một số loài cho dầu như: Sở Camellia oleifera, Cọc rào Jatropha curcas, Trẩu Vernicia montana, v.v.

Trang 24


Phần IV. KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT Để bảo vệ tốt hơn những kiểu thảm thực vật và hệ thực vật tại Khu BTTN Hang Kia Pà Cò cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của chính quyền và các tổ chức xã hội từ Trung ương tới địa phương, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước. Cần có chiến lược và kế hoạch cụ thể trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và đa dạng thực vật nói riêng, bảo tồn cảnh quan môi trường tại Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò.

1. Đối với Ban quản lý Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò A. Chương trình quản lý, bảo vệ rừng Giữ gìn, bảo vệ nguyên vẹn các kiểu thảm thực vật tự nhiên là yêu cầu cấp bách. Từng bước làm tăng độ che phủ của rừng bằng các biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và trồng rừng mới. Mặc dù trong thời gian qua, Ban quản lý Khu BTTN đã rất tích cực nhưng công tác bảo vệ rừng vẫn bị chặt nhiều. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng nên thực hiện một số nội dung sau: - Ban quản lý khu bảo tồn khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình đang sinh sống trong phân khu phục hồi sinh thái thông qua các hợp đồng kinh tế theo các quy định hiện hành của Nhà nước (Ban quản lý đang phối hợp với địa phương để thực hiện). - Xác định ranh giới thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý Khu BTTN, đóng mốc để phân định ranh giới giữa đất giành cho nông nghiệp, đất giành cho rừng sản xuất và đất sử dụng vào mục đích bảo tồn để nhân dân nhận biết được. Vị trí cần đóng mốc là các điểm giao cắt với đường giao thông, các điểm địa hình cố định như ngã ba sông, suối, nơi phân định không rõ ràng. - Xây dựng và phổ biến nội qui bảo vệ rừng: Ban quản lý Khu BTTN căn cứ vào Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các qui định pháp luật khác, xây dựng thành nội qui khu bảo tồn. Nội qui nêu cụ thể những việc không được làm trong khu bảo tồn. - Xây dựng các biển cảnh báo cháy rừng, biển nội quy bảo vệ rừng. - Xây dựng bản đồ hiện trạng rừng cho Khu BTTN. Tại Ban quản lý và các trạm bảo vệ rừng nên treo các bản đồ này để mọi thành viên đều biết phạm vi ranh giới, vị trí và hiện trạng rừng. - Vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm gỗ, củi: Sử dụng tiết kiệm gỗ, củi cũng là một giải pháp nhằm hạn chế khai thác rừng, vì vậy cần vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm và hỗ trợ những hộ gia đình sử dụng năng lượng khác thay thế củi như làm hầm biogas, chuyển giao kỹ thuật xây dựng bếp tiết kiệm củi theo mô hình bếp lâm nghiệp của Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp - Viện Khoa học Lâm nghiệp. - Vận động nhân dân thay đổi tập quán dùng gỗ xây dựng là những loại gỗ quí bằng các loại gỗ rừng trồng, và các vật liệu thay thế gỗ. Trang 25


- Nghiêm cấm sử dụng một số loại phương tiện khai thác lâm sản: Ban quản lý Khu BTTN, phối hợp cùng chính quyền địa phương các cấp tổ chức kiểm tra và thu giữ các loại súng săn, cưa máy ở các hộ gia đình sống trong khu bảo tồn.

B. Chương trình giám sát và bảo tồn đa dạng sinh học Trên cơ sở quản lý bảo vệ tốt vốn rừng hiện có, Ban quản lý Khu BTTN có thể chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan tổ chức trong nước, tổ chức phi chính phủ để thực hiện tốt công tác giám sát và bảo tồn đa dạng sinh học. Các kết quả điều tra cơ bản phục vụ xây dựng Dự án bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò mới chỉ là những nghiên cứu ban đầu. Để thấy hết được giá trị của hệ sinh thái trong khu vực và để quản lý bảo tồn có hiệu quả cần được tiếp tục đầu tư để nghiên cứu sâu, đầy đủ về hệ động, thực vật, về địa chất, cảnh quan. - Điều tra cơ bản về hệ thực vật rừng: Điều tra xác định được đầy đủ thành phần loài, đặc điểm phân bố của khu hệ thực vật rừng. Thu thập mẫu vật, xây dựng phòng tiêu bản thực vật rừng. - Giám sát quần thể loài quan trọng: Nghiên cứu đặc điểm sinh vật học và giám sát một số loài thực vật nguy cấp, bị đe doạ như Thông pà cò, Thông đỏ bắc, Pơ mu, Bách xanh, Trai, Nghiến, v,v. - Điều tra cây dược liệu: Điều tra, phát hiện các loài cây có tác dụng làm thuốc. Nghiên cứu đặc điểm sinh vật học của các loài dược liệu quí. Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống, thu hái, gây trồng, chế biến, sử dụng chúng tạo hàng hoá. - Nghiên cứu về cấu trúc và diễn thế rừng: Thiết lập hệ thống ô định vị đại diện trên các kiểu thảm thực vật, theo dõi hàng năm để nghiên cứu về sinh thái, cấu trúc, diễn thế của các kiểu thảm thực vật rừng. Xây dựng bản đồ thảm thực vật và sự biến đổi các kiểu thảm thực vật cho Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò. Bản đồ chạy trên phần mềm Mapinfor hoặc ArcGIS. - Nghiên cứu xây dựng vườn ươm, dẫn giống cây bản địa, các loài quý hiếm đặc hữu của khu vực. Diện tích Vườn 1 ha, hàng năm cung cấp từ 20.000 - 50.000 cây giống các loại phục vụ chương trình trồng rừng của địa phương. Địa điểm xây dựng Vườn ươm tại khu vực Ban quản lý. - Xây dựng Vườn thực vật: khảo sát địa điểm, lập Dự án đầu tư xây dựng Vườn thực vật tại Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò nhằm bảo tồn một số loài thực vật nguy cấp ở Hang Kia – Pà Cò cũng như ở Việt Nam. Diện tích Vườn thực vật từ 40-100 ha. - Nghiên cứu xây dựng mô hình bảo tồn chuyển chỗ một số loài cây quí hiếm của Khu BTTN như Thông pà cò, Trai lý, Nghiến, Pơ mu, Bách xanh, v.v; mô hình cây trồng bản địa, cây ăn quả, cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao, cây tạo cảnh quan môi trường phù hợp với đặc điểm của khu vực.

Trang 26


- Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ địa phương và cán bộ Ban quản lý Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò về giáo dục môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học thông qua các chương trình dự án ở Khu vực. Tổ chức tham quan, học tập các mô hình điển hình ở các khu vực. - Nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương về bảo tồn đa dạng sinh học thông qua các chương trình, dự án có sự tham gia của người dân. - Kết hợp với các tổ chức xã hội địa phương xây dựng và tổ chức các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng và học sinh.

2. Đối với địa phương - Tổ chức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ thuộc khu vực quy hoạch rừng sản xuất ở phân khu phục hồi sinh thái để các hộ yên tâm đầu tư sản xuất. Phối hợp cùng Ban quản lý Khu BTTN vận động nhân dân tích cực tham gia chương trình trồng rừng thay thế nương rẫy. - Hỗ trợ Ban quản lý Khu BTTN trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chỉ xác nhận cho các hộ ở phân khu phục hồi sinh thái xin khai thác gỗ làm nhà khi có nhu cầu chính đáng. Không cho phép sử dụng gỗ thuộc Nghị định 32/2006/NĐ-CP như Trai lý, Nghiến, Thông pà cò, Thông đỏ, Re hương. Phối hợp cùng Ban quản lý Khu BTTN vận động nhân dân thực hiện tốt Luật bảo vệ rừng và Luật đa dạng sinh học. Tổ chức xây dựng và thực hiện hương ước của cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng. - Chương trình du lịch sinh thái: Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò có địa hình và cảnh quan rất đẹp, đường giao thông rất tốt có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái. Hiện đang có một số tuyến du lịch sinh thái gắn với điểm du lịch Mai Châu. Tổ chức và quản lý tốt tuyến du lịch sinh thái này sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho địa phương. Đồng thời là cơ hội để quảng bá các giá trị đa dạng sinh học của Khu BTTN với bên ngoài. - Ổn định dân cư: Xây dựng quy hoạch sử dụng đất cho địa phương, trong đó quy hoạch đất ở và đất sản xuất nông lâm nghiệp. Trước mắt ổn định số thôn bản hiện có trong khu bảo tồn, không thành lập thêm các điểm dân cư mới. Quản lý việc tách hộ và cấp đất ở, ngăn chặn việc tự do di chuyển chỗ ở ra ngoài khu quy hoạch. Khi các thành viên trong gia đình lập gia đình riêng, có nguyện vọng sẽ lập hộ mới ra ở riêng và xin sử dụng đất và gỗ để làm nhà. Quản lý tốt việc tách hộ sẽ giảm đáng kể áp lực lên tài nguyên rừng.

3. Đối với Chi cục kiểm lâm Hoà Bình - Hỗ trợ Ban quản lý Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực. Hỗ trợ Ban quản lý xây dựng bản đồ hiện trạng rừng của khu vực. - Cho phép Ban quản lý xây dựng vườn ươm, dẫn giống cây bản địa, các loài quý hiếm của khu vực phục vụ chương trình trồng rừng của địa phương. Trang 27


- Cho phép Ban quản lý khảo sát địa điểm, lập Dự án đầu tư xây dựng Vườn thực vật tại Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò nhằm bảo tồn một số loài thực vật nguy cấp ở Hang Kia – Pà Cò cũng như ở Việt Nam. Diện tích Vườn thực vật từ 40-100 ha. - Xúc tiến để Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò được tham gia vào mạng lưới VCF, Cục kiểm lâm.

Trang 28


TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Tài liệu trong nước 1. Ban Quản lý Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò (2009), Dự án rà soát qui hoạch đầu tư phát triển rừng Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình. 2. Bộ Khoa học và Công nghệ (2007), Danh Lục Đỏ Việt Nam, Nxb. Khoa học tự nhiên & Công nghệ, Hà Nội. 3. Bộ Khoa học và Công nghệ (2007), Sách Đỏ Việt Nam (phần thực vật), Nxb. Khoa học tự nhiên & Công nghệ, Hà Nội. 4. Chính Phủ Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (2006), Nghị 32/2006/NĐ-CP. 5.

định số

Đỗ Tất Lợi (2001), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb. Y Học, Hà Nội.

6. Lê Trần Chấn (1990), Góp phần nghiên cứu một số đặc điểm cơ bản của hệ thực vật Lâm Sơn, tỉnh Hà Sơn Bình, luận án phó tiến sĩ sinh học, Trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội. 7. Leonid V. Averyanov, Nguyễn Tiến Hiệp, Phan Kế Lộc, Đỗ Tiến Đoàn và Jacinto C. Regalado (2003), Điều tra sơ bộ thực vật của rừng nguyên sinh ở Khu BTTN Pù Luông, tỉnh Thanh Hoá. 8. Nguyễn Khánh Vân, Nguyễn Thị Hiền, Phan Kế Lộc, Nguyễn Tiến Hiệp (2000), Những biểu đồ sinh khí hậu Việt Nam. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội. 9. Nguyễn Nghĩa Thìn - Nguyễn Thanh Nhàn (2004), Đa dạng thực vật Vườn Quốc Gia Pù Mát, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội. 10. Nguyễn Nghĩa Thìn (1997), Cẩm nang nghiên cứu đa dạng sinh vật, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội. 11. Nguyễn Nghĩa Thìn (2004), Hệ thực vật và đa dạng loài, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội. 12. Nguyễn Nghĩa Thìn và Nguyễn Thị Thời (1998), Đa dạng thực vật bậc cao có mạch vùng núi cao Sa Pa- Phan Si Pan, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội. 13. Nguyễn Tiến Bân (1997), Cẩm nang tra cứu và nhận biết các họ thực vật hạt kín ở Việt Nam, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội. 14.

Nguyễn Tiến Bân (chủ biên) (2003-2005), Danh lục các loài thực vật Việt Nam tập 2, 3.

15. Nguyễn Văn Huy (2003), Danh lục thực vật Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò, tỉnh Hoà Bình. Trường Đại học Lâm nghiệp.

Trang 29


16. Phạm Hoàng Hộ (1999-2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển 1-3, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh. 17. Phùng Ngọc Lan, Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Bá Thụ (1996), Tính đa dạng thực vật Cúc Phương, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội. 18. Thái Văn Trừng (1999), Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới Việt Nam, Nxb. Khoa học & Kỹ thuật, TP Hồ Chí Minh. 19. Trần Đình Lý và cộng sự (1993), 1900 loài cây có ích ở Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội. 20.

Trần Hợp (2003), Tài nguyên cây gỗ Việt Nam, Nxb. Nông nghiệp, Tp. Hồ Chí Minh.

21. Trần Huy Thái (2000), Nguồn thực vật có tinh dầu tại tỉnh Hoà Bình. Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Hà Nội. 22. Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường - Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (2001-2005), Danh lục các loài thực vật Việt Nam, Tập I-III, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội. 23. Uỷ ban nhân dân tỉnh Hoà Bình (1993), Luận chứng kinh tế Kỹ thuật Khu BTTN hang Kia – Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình. 24. Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu tài nguyên môi trường - Đại học Quốc gia Hà Nội (2001), Danh lục các loài thực vật Việt Nam,tập 1. 25.

Võ Văn Chi (1996), Từ điển cây thuốc việt nam, Nxb. Y học, Hà Nội.

26. Võ Văn Chi, Trần Hợp (1999-2002), Cây cỏ có ích ở Việt Nam, Tập I-II, Nxb. Giáo dục, Tp. Hồ Chí Minh.

2. Tài liệu nước ngoài 1. Brummitt R. K. (1992), Vascular plant families and genera, Royal botanical garden, Kew. 2. Forest Inventory Institute (1996), Vietnam Forest Trees, Agricultural Publishing House, Hanoi. 3. Hill, Ken D.; Nguyen, Hiep T.; Loc, Phan K. (2004), The genus Cycas (Cycadaceae) in Vietnam. The Botanical Review, April 1, 2004. 4.

Lecomte H. (1907 - 1951), Flore Générale de L, Indo- chine, Tome 1- 7. Paris.

5.

Missouri Botanical Garden Press (1994-2009), Flora of China Illustrations.

6. Werner Greuter (1994), International Code of Botanical Nomenclature (Tokyo Code), Koeltz Scientific Books, D-61453 Konigstein, Germany. Trang 30


PHỤ LỤC Phụ lục 1. Lịch trình làm việc tại Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò Ngày, tháng

Tuyến/ Ô tiêu chuẩn

Địa điểm

Nội dung công việc

Loại thảm thực vật

30/05

Ban quản lý Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò

Tập huấn điều tra đa dạng thực vật. Thảo luận với Ban quan lý Khu BTTN lựa chọn các điểm, tuyến điều tra. Coppy các tài liệu, bản đồ, báo cáo liên quan đến Khu BTTN.

31/05

Rừng xã Tân Sơn

Điều tra hiện trường (quan sát thảm thực vật, hệ thực vật, định vị các loài thực vật bị đe doạ, thu mẫu thực vật)

01/01

Rừng kín thường xanh á nhiệt đới núi thấp Rừng thứ sinh nhân tác

01/06

Rừng xã Pà Cò, Hang Kia

Điều tra hiện trường

02/02

Rừng kín thường xanh á nhiệt đới núi thấp Rừng thứ sinh nhân tác

02/06

Rừng xã Pà Cò

Điều tra hiện trường

03/03

Rừng kín thường xanh á nhiệt đới núi thấp

03/06

Rừng Thung Ẳng, Điều tra hiện trường Thung Mặn xã Hang Kia

04

Rừng kín thường xanh á nhiệt đới núi thấp Rừng thứ sinh nhân tác

04/06

Rừng Xóm Hang Kia, xã Hang Kia

Điều tra hiện trường

05

Rừng kín thường xanh á nhiệt đới núi thấp

05/06

Rừng xã Cun Pheo

Điều tra hiện trường

06/04

Rừng kín thường xanh á nhiệt đới núi thấp

06/06

Rừng xã Pà Cò

Điều tra hiện trường

07/05

Rừng kín thường xanh á nhiệt đới núi thấp

Trang 31


Phụ lục 2. Danh lục thực vật bậc cao có mạch tại Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình TT

1

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

I. PSILOTOPHYTA

NGÀNH KHUYẾT LÁ THÔNG

1. PSILOTACEAE

HỌ KHUYẾT LÁ THÔNG

Psilotum nudum (L.) P. Beauv. II. LYCOPODIOPHYTA

NGÀNH THÔNG ĐẤT

1. LYCOPODIACEAE

HỌ THÔNG ĐẤT

Tài liệu

*

ĐT2009

x

2

Huperzia carinata (Poir.) Trevis

Thạch tùng sóng

3

Huperzia sp.

Thông đất

4

Lycopodium cariantum Desv

Thạch tùng

x

x

5

Lycopodium cernuum Linn

Thông đất

x

x

2. SELAGINELLACEAE Selaginella delicatula (Desv.) Alston

7

Selaginella picta A. Br. Ex Bak. F. Quyển bá picta

8

Selaginella repanda (Desv.) Spring

Quyển bá mép lượn

9

Selaginella rolandi-principis Alston

Quyển bá hoa đá

Quyển bá đơn bào

III. EQUISETOPHYTA

NGÀNH MỘC TẶC

1. EQUISETACEAE

HỌ MỘC TẶC

Equisetum diffusum D.Don

x

x x

HỌ QUYỂN BÁ

6

10

Mộc tặc

IV. POLYPODIOPHYTA

NGÀNH DƯƠNG XỈ

1. ADIANTACEAE

HỌ TÓC THẦN

x x x

x x

x

11

Adiantum cappinus-veneris L.

Tóc thần vệ nữ

x

x

12

Adiantum caudatum L.

Đuôi chồn

x

x

13

Adiantum flabellulatum L.

Dớn đen

x

x

2. ASPLENIACEAE

HỌ TỔ ĐIỂU

14

Asplenium antrophyoides H.

15

Asplenium cheilosorum Kunze ex Tổ điểu có môi Mett.

x

16

Asplenium ensiforme Wall. ex Hook. Thiết giáp lá gươm & Grev.

x

17

Asplenium laciniatum D. Don

Tổ điểu

x

18

Asplenium nidus L.

Tổ điểu ổ phượng

x

19

Asplenium sp.

Tổ điểu

3. BLECHNACEAE *

Khuyết lá thông

Nguồn

Tổ điểu bầu dục

x

x x x

HỌ QUYẾT LÁ DỪA

Điều tra năm 2009, trong khuôn khổ báo cáo này.

Trang 32


TT

Tên Khoa học

20

Blechnum orientale L.

21

Stenochlaena Bedd.

palustris

Tên Việt Nam

(Burm.f.)

Nguồn ĐT2009

Quyết lá dừa

x

x

Dây choại

x

4. CYATHEACEAE

Cyathea latebrosa (Wall. ex Hook.) Dương xỉ mộc Copel.

x

23

Cyathea sp.

x

Dương xỉ mộc

5. DENNSTAEDTIACEAE Microlepia C.Chr.

marginata

25

Microlepia hookeriana C. Presl

(Panzer)

Cibotium barometz (L.) J. Sm.

x

Ráng vi lân

x

x

x

x

Cẩu tích HỌ MỘC XỈ

Dryopteris subtriangularis (C. Hope) Mộc xỉ lá tam giác C. Chr.

28

Polystichum acutidens H. Christ

Quyết lá tai răng nhọn

29

Tectaria decurrens (C. Presl.) Copel.

Ráng yểm dực cánh

30

Tectaria phaeocaulis (Rosenst.) C. Chr.

Ráng yểm dực thân nâu

31

Tectaria zeilanica (Houtt.) Sledge

Ráng cổ tự tích lan

8. GLEICHENIACEAE linearis

33

Dicranopteris sp.

(Burm.f.)

9. MARATTIACEAE 34

Angiopteris polytheca Tard et C. Chr.

35

Archangiopteris sp. 10. OLEANDRACEAE

x

HỌ CẨU TÍCH

27

Dicranopteris Underw.

x

Lược khía

7. DRYOPTERIDACEAE

32

x

HỌ ĐÀNG TIẾT

6. DICKSONIACEAE 26

x

HỌ DƯƠNG XỈ MỘC

22

24

*

Tài liệu

x

x x

x x x

HỌ GUỘT Guột, Tế thường

x

Tế

x x

HỌ TOÀ SEN Móng trâu

x x

HỌ RÁNG TRÚC XỈ

36

Nephrolepis biserrata (Sw.) Schott

Cốt cắn

x

x

37

Nephrolepis cordifolia (L.) C. Presl .

Cốt cắn, Khát nước

x

x

11. OPHIOGLOSSACEAE

HỌ LƯỠI RẮN

38

Botrychium ternatum (Thunb.) Sw.

Âm địa chẻ ba

x

39

Ophioglossum sp.

Lưỡi rắn

x

12. POLYPODIACEAE

x

HỌ DƯƠNG XỈ

40

Drynaria bonii H. Christ

41

Drynaria fortunei (Kunze ex Mett.) J. Cốt toái bổ Sm.

x

42

Phymatosorus lanceolata (L.) Farw.

x

Tắc kè đá

Thạch vĩ lưỡi mác

x x

Trang 33


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Nguồn *

Tài liệu

ĐT2009

43

Pyrrosia adnascens (Sw.) Ching

Lưỡi mèo tai chuột

x

x

44

Pyrrosia lingua (Thunb.) Farw.

Thạch vi

x

x

13. PTERIDACEAE

HỌ CỎ SEO GÀ

45

Pteris ensiformis Burm.f.

Cỏ luồng

x

x

46

Pteris fauriei Hieron.

Seo gà

x

x

47

Pteris grevilleana Wall. ex Agardh

Ráng

x

48

Pteris linearis Poir.

Ráng chân hẹp

x

x

49

Pteris multifida Poir

Đuôi công

x

x

50

Pteris semipinnata L.

Cỏ seo gà xẻ nửa

x

51

Pteris vittata L.

Quyết rết

x

14. SCHIZAEACEAE

HỌ BÒNG BONG

52

Lygodium conforme C.Chr.

Bòng bong lá to

53

Lygodium flexuosum (L.) Sw.

Bòng bong lá nhỏ

54

Lygodium japonicum (Thunb.) Sw.

Bòng bong nhật bản

55

Lygodium polystachyum Wall. ex T. Bòng bong nhiều bông Moore

x

56

Lygodium scandens (L.) Sw.

x

x

x x

Bòng bong leo

15. THELYPTERIDACEAE

x x

HỌ RÁNG THƯ DỰC

57

Christella parasitica (L.) H. Lev.

Dương xỉ thường

58

Cyclosorus sp.

Quyết núi đá

x

59

Thelypteris sp.

Ráng Thư dực

x

16. VITTARIACEAE 60

Vittaria flexuosa Fée

Ráng râu rồng sợi

Diplazium esculentum (Retz.) Sw.

Rau dớn

V. GYMNOSPERMAE

NGÀNH HẠT TRẦN

1. CUPRESSACEAE

HỌ HOÀNG ĐÀN Bách xanh

63

Fokienia hodginsii Henry et Thomas

Pơ mu

2. CYCADACEAE Cycas collina Hill, Nguyen & Phan

Thiên tuế

x

x

x

x

x

x

HỌ DÂY GẮM

Gnetum montanum Markgr.

Dây Gắm

4. PINACEAE Pinus kwangtungensis Tsiang

x

HỌ TUẾ

3. GNETACEAE

66

x x

Calocedrus macrolepis Kurz

65

x

HỌ RÁNG GỖ NHỎ

62

64

x

HỌ RÁNG RÂU RỒNG

17. WOODSIACEAE 61

x

HỌ THÔNG Chun

5. PODOCARPACEAE

ex

Thông pà cò

x

x

HỌ KIM GIAO Trang 34


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Nguồn Tài liệu

67

Dacrycarpus imbrricatus (Blume) de Thông nàng Laub.

x

68

Nageia fleuryi (Hickel) de Laub.

Kim giao

x

69

Podocarpus neriifolius D.Don

Thông tre lá dài

x

70

Podocarpus pilgeri Foxw.

Thông tre lá ngắn

6. TAXACEAE

x x

HỌ THÔNG ĐỎ

71

Taxus chinensis (Pilg.) Rehder

Thông đỏ bắc

72

Amentotaxus Pilg.

Dẻ tùng sọc trắng

argotaenia

*

ĐT2009

(Hance)

VI. ANGIOSPERMAE

NGÀNH HẠT KÍN

A. DICOTYLEDONEAE

LỚP HAI LÁ MẦM

1. ACANTHACEAE

HỌ Ô RÔ

x

x x

73

Andrographis paniculata (Burm.f) Cồng cộng Ness

x

74

Justicia gendarussa Burm. f.

Thanh táo

x

x

75

Peristrophe tinctoria Ness

Cây cẩm

x

x

76

Rhinacanthus Nees

Bạch hạc núi đá

x

77

Rhinacanthus nasutus (L.) Kurz

Bạch hạc

x

x

78

Strobilanthes acrocephalus T.Anders

Cơm nếp

x

x

79

Strobilanthes multangulus Benoist

Chàm núi

x

x

calcaratus

(Wall.)

2. ACERACEAE

x

x

HỌ THÍCH

80

Acer flabellatum Rehd. ex Veitch

Thích lá quạt

81

Acer oblongum Wall. ex DC.

Thích lá thuôn

x

x

82

Acer oliverianum Pax

Thích năm lá

x

x

83

Acer tonkinensis H.Lec

Thích bắc bộ

x

x

84

Acer wilsonii Rehd.

Sau sau tía, Thích 3 thuỳ

3. ACTINIDIACEAE

x

x

HỌ DƯƠNG ĐÀO

85

Saurauia napaulensis DC.

Nóng nâu

x

86

Saurauia roxburghii Wall.

Nóng roxburgh

x

87

Saurauia tristylla DC.

Nóng số

x

x

4. ALANGIACEAE

x

HỌ THÔI BA

88

Alangium chinense (Lour.) Harms

Thôi ba

x

x

89

Alangium kurzii Craib

Thôi ba lông

x

x

5. AMARANTHACEAE

HỌ RAU DỀN

90

Achyranthes aspera L.

Cỏ xước

x

x

91

Achyranthes bidentata Blume

Ngưu tất

x

x

92

Alternanthera sessilis (L.) DC.

Rau dệu

x

x Trang 35


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Nguồn *

Tài liệu

ĐT2009

93

Amaranthus lividus L.

Dền cơm

x

x

94

Amaranthus spinosus L.

Dền gai

x

x

95

Celosia argentea L.

Mào gà

x

x

6. ANACARDIACEAE

HỌ ĐIỀU

96

Allospondias lakonensis (Pierre) Stapf

Dâu da xoan

97

Buchanania arborescens (Blume) Blume

Chây gỗ

98

Choerospondias Burtt. & Hill

99

axillaris

(Roxb.)

x

x

x

Xoan nhừ

x

Dracontomelon duperreanum Pierre

Sấu

x

100

Gluta sp.

Sơn huyết

101

Mangifera longipes Griff.

Quéo

x

x

102

Rhus chinensis Muell.

Muối

x

x

103

Toxicodendron Mold.

Sơn ta

x

succedanea

(L.)

7. ANCISTROCLADACEAE 104

Ancistrocladatus cochinchinenssis Gagnep.

x x x

x

HỌ TRUNG QUÂN Trung quan nhỏ

8. ANNONACEAE

x

x

HỌ NA

105

Alphonsea hainanensis Merr. & Chun

Thâu lĩnh hải nam

106

Alphonsea squamosa Fin. et Gagnep.

Thâu lĩnh

107

Alphonsea tonkinensis DC.

Thâu lĩnh bắc bộ

x

108

Desmos cochinchinensis Lour.

Hoa giẻ

x

x

109

Desmos chinensis Lour.

Hoa giẻ

x

x

110

Fissistigma thorelii (Pierre ex Fin.) Bổ béo trắng Merr.

111

Goniothalamus vietnamensis Ban

Bổ béo đen

x

112

Miliusa campanulata Pierre

Na hồng

x

113

Miliusa balansae Fin. et Gagnep.

Màu cau

114

Polyalthia cerasoides (Roxb.) Bedd.

Nhọc

x

115

Polyalthia lauii Merr.

Nhọc lá to

x

116

Polyalthia sp.

Nhọc đen lá dài

x

117

Polyalthia thorelii (Pierre) Fin. & Nhọc lá dài Gagnep.

x

118

Uvaria boniana Fin. et Gagnep.

Dất lông

x

119

Uvaria microcarpa Champ. ex Benth.

Dây dất lá to

x

120

Xylopia vielana Pierre

Giền đỏ

x

x x

x

x

x

x Trang 36


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

9. APIACEAE

HỌ HOA TÁN

Nguồn *

Tài liệu

ĐT2009

121

Centella asiatica (L.) Urb. in Mart.

Rau má

x

x

122

Cnidium monnierii (L.) Cusson

Giần sàng

x

x

123

Eryngium foetidum L.

Mùi tàu

x

x

124

Hydrocotyle chinensis (Dunn) Craib

Rau má núi

x

x

125

Hydrocotyle nepalensis Hook.

Rau má dại

x

x

10. APOCYNACEAE

HỌ TRÚC ĐÀO

126

Alstonia scholaris R.Br

Sữa

x

x

127

Chenomorpho eriostylis Pitard

Mảnh bát lá bé

x

x

128

Holarrhena antidysenterica Wall et Mốc hoa trắng A.DC

x

129

Hunterica corymbosa Roxb.

Dây mảnh bát

x

130

Kibatalia laurifolia (Ridl.) Woods.

Ớt sừng lá nhỏ

x

131

Kibatalia macrophylla (Pierre in Ớt sừng lá to Planch.) Woodson

x

132

Melodinus annamensis Pitard

Dây giom

x

133

Rauvolfia verticillata (Lour.) Baill.

Ba gạc vòng

x

134

Tabernaemontana sp.

Dây sừng bò

x

135

Urceola? rosea (Hook. & Arn.) Dây cao su Middl.

136

Wrightia laevis Hook.f.

Thừng mực mỡ

x

x

137

Wrightia pubescens R. Br.

Thừng mực lông

x

x

138

Wrightia sp.

Thừng mực trâu

11. AQUIFOLIACEAE

x

x x

x

HỌ NHỰA RUỒI

139

Ilex crenata Thumb.

Nhựa ruồi

x

x

140

Ilex eugeniifolia Pierre

Nhựa ruồi trâm

x

x

141

Ilex kaushue S.H. Hu

Chè đắng

12. ARALIACEAE

x

HỌ NHÂN SÂM

142

Acanthopanax trifoliatus (L.) Voss.

143

Aralia armata (Wall. ex G. Don) Cuồng cuồng Seem.

x

144

Aralia searelliana Dunn

x

145

Aralia thomsonii Seem. ex C. B. Cuồng thomson Clarke

x

146

Brassaiopsis glomerulata (Blume) Regel

Than

x

147

Brassaiopsis mitis C. B. Clarke

Đu đủ rừng con

x

x

148

Hedera sinensis (Tobl.) Hand.-Mazz.

Thường xuân

x

x

149

Heteropanax fragrans (Roxb.) Seem.

Đại khải

x

x

Ngũ gia bì gai

Cuồng cuồng

x x x x

Trang 37


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Nguồn Tài liệu

*

ĐT2009

150

Schefflera globulifera Grushv. & N. Chân chim cầu Skvorts.

151

Schefflera kornasii Grushv. & N. Chân chim Skvorts.

152

Schefflera octophylla (Lour.) Harms.

153

Schefflera pacoensis Grushv. & N. Chân chim pà cò Skvorts.

x

154

Schefflera pes-avis R. Vig.

Đáng chân chim

x

x

155

Schefflera petelotii Merr.

Chân chim núi

x

x

156

Tetrapanax papyriferus (Hook.) C. Thông thảo Koch

157

Trevesia cavaleriei (Levl.) Grushv.

158

Trevesia palmata (Roxb. ex Lindl.) Đu đủ rừng Visan.

159

Trevesia sphaerocarpa Grushv. & N. Đu đủ rừng Skvorts. 13. ARISTOLOCHIACEAE

160

Aristolochia balansae Franch.

Chân chim 8 lá

Thù du

x

x x

x

x x

x x x

x x

HỌ MỘC HƯƠNG Nam mộc hương

14. ASCLEPIADACEAE

x

HỌ THIÊN LÝ

161

Centrostemnia multiflorum (Blume) Decne

Hồ hoa giả

162

Dischidia chinensis Champ. ex Benth.

Tai chuột nhọn

163

Gymnema latifolium Wall. ex Wight

Loã ti lá rộng

x

x

164

Hoya villosa Cost.

Hoa sao lông

x

x

165

Marsdenia tinctoria (Roxb.) R. Br.

Dây chàm

166

Streptocaulon juventas (Lour.) Merr.

Hà thủ ô trắng

15. ASTERACEAE

x x

x x

x

HỌ CÚC

167

Ageratum conyzoides L.

Cứt lợn tía

x

x

168

Ageratum sp.

Cứt lợn hoa trắng

x

x

169

Artemisia annua L.

Thanh hao hoa vàng

x

x

170

Artemisia vulgaris L var indica Ngải cứu (Willd) DC

171

Artemisia absinthium L.

Ngải cứu dại

x

x

172

Artemisia carviflora Wall

Cây bồ bồ

x

x

173

Bidens pillosa L.

Đơn buốt

x

x

174

Blumea balsamifera (Linn.) DC.

Đại bi

175

Blumea chinensis (L.) DC.

Rau bầu rừng, Cúc leo

176

Blumea lacera (Burm. f.) DC. in Cải trời Wight

x

x x x

x x Trang 38


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Nguồn *

Tài liệu

ĐT2009

x

x

177

Blumea lanceolaria (Roxb.) Druce

178

Blumea megacephala (Rand.) Chang Ngải nạp hương đầu to & Tseng,

179

Blumea sinuata (Lour.) Merr.

Cúc lá rách

180

Eclipta prostrata (L.) L.

Nhọ nồi

x

x

181

Elephantopus scaber L.

Cúc chỉ thiên

x

x

182

Emilia sonchifolia (L.) DC. in Wight

Rau má lá muống

x

x

183

Erichtites varelianifolia DC

Tàu bay dại

x

x

184

Eupatorium odoratum L.

Cỏ lào

x

x

185

Eupatorium staechadosum Hance

Mần tưới

x

x

186

Gynura pseudochina (L.) DC.

Rau bầu đất

187

Lactuca indica L

Bồ công anh

x

x

188

Lactuca raborowski Maxim.

Rau diếp dại

x

x

189

Lactuca sp.

Bồ công anh lá xẻ

190

Pluchea indica (L.) Less.

Cúc tần

x

x

191

Sigesbeckia orientale L.

Hi thiêm, Cỏ đĩ

x

x

192

Vernonia sp.

Rau ráu

193

Xanthium strumarium L.

Ké đầu ngựa

Xương sông

16. BALANOPHORACEAE

x x

x

x

x x

HỌ DÓ ĐẤT

194

Balanophora fungosa Forst. & Forst. Dó đất f.

x

195

Balanophora Lecomte

Cu chó

x

196

Balanophora sp.

Dó đất

x

latisepala

(Tiegh.)

17. BALSAMINACEAE

x x x

HỌ BÓNG NƯỚC

197

Impatiens aff. finetii Tard.

Bóng nước finet

x

198

Impatiens balsamina L.

Bóng nước

x

199

Impatiens laotica Tard.

Móng tai lào

x

200

Impatiens poilanei Tard.

Móng tai poilane

x

18. BEGONIACEAE

x

x

HỌ THU HẢI ĐƯỜNG

201

Begonia aptera Blume

Thu hải đường

x

x

202

Begonia baviensis Gagnep.

Thu hải đường ba vì

x

x

203

Begonia dolifolia Hort

Thu hải đường lệch

204

Begonia tonkinensis Gagnep.

Thu hải đường bắc bộ

x

205

Begonia villifolia Lindl. var. australis Thu hải đường lá lông Irmsch.

x

19. BIGNONIACEAE 206

Fernandoa bracteata (Dop) Steen.

x

x

HỌ ĐINH Đinh vàng

x

x Trang 39


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Nguồn *

Tài liệu

ĐT2009 x

207

Fernandoa brilletii (Dop) Steen.

Đinh thối

x

208

Markhamia Craib

Kè đuôi dông

x

209

Markhamia stipullata (Wall.) Seem. ex Schum.

Thiết đinh

x

210

Oroxylum indicum (L.) Kurz

Núc nác

x

x

x

x

cauda-felina (Hance)

20. BOMBACACEAE 211

x

HỌ BÔNG GẠO

Bombax malabaricum DC.

Gạo đỏ

21. BORRAGINACEAE

HỌ VÒI VOI

212

Cordia grandis Roxb.

Tầm mốc to

x

213

Heliotropium indicum L.

Vòi voi

x

214

Tournefortia montana Lour.

Bọ cạp núi

x

22. BURSERACEAE

x

HỌ TRÁM

215

Canarium album (Lour.) Raeusch

Trám trắng

216

Canarium bengalense Roxb.

Trám ba cạnh

x

217

Canarium tonkinense Engl.

Trám chim

x

218

Canarium tramdenum Dai et Jakovl.

Trám đen

219

Garuga pinnata Roxb.

Trám mao

220

Protium serratum (Wall. ex Colebr.) Cọ phèn Engl. 23. CAESALPINIACEAE

x

x

x

x x

x HỌ VANG

221

Bauhinia coccinea (Lour.) DC.

Vỏ quạch đen

x

x

222

Bauhinia lecomtei Gagnep

Dây móng bò

x

x

223

Caesalpinia cucullata Roxb.

Móc diều lá cứng

x

224

Caesalpinia bonducella Flem

Móc mèo

225

Caesalpinia Alston

226

Caesalpinia latisiliqua (Cav.) Hattink Sống rắn

227

Gleditsia autralis Hemsl. ex Forbes

Bồ kết

x

228

Lysidia rhodostegia Hance

x

229

Peltophorum Kurz

Lim xẹt

x

230

Saraca dives Pierre

Vàng anh

x

x

231

Senna occidentale (L.) Link.

Muồng lá khế

x

x

232

Senna siamea (Lamk.) Irwin & Muồng đen Barneby

decapetala

dasyrrhachis

233 Senna tora (L.) Roxb. 24. CANNABACEAE 234 Cannabis sativa L.

(Roth)

(Miq.)

Móc diều

x x

x x x

x

x

Thảo quyết minh

x

HỌ GAI MÈO Gai mèo

x Trang 40


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

25. CAPPARACEAE

HỌ MÀN MÀN

Nguồn Tài liệu

235

Capparis cantoniensis Lour.

Cáp thượng hải

x

236

Capparis sikkimensis Kurz.

Cáp sikkim

x

237

Cleome gynandra L.

Màn màn trắng

x

238

Cleome vicosa L.

Màn màn vàng

x

239

Crataeva nurvala Ham

Cây bún

240 Stixis scandens Lour.

Dây trứng quốc

26. CAPRIFOLIACEAE

*

ĐT2009

x x

x

HỌ KIM NGÂN

241

Lonicera macrantha (King) Gagnep.

Kim ngân hoa to

x

242

Sambucus javanica Reinw. ex Blume

Cơm cháy

x

x

243

Silvianthus bracteatus Hook. f.

Ngân hoa

x

x

244

Silvianthus tonkinensis (Gagnep.) Rids.

Ngân hoa bắc bộ

245

Viburnum punctatum Buch.-Ham. ex D. Don

Vót đốm

27. CHENOPODIACEAE 246 Chenopodium ambrosioides L.

x x

HỌ RAU MUỐI Rau muối

28. CELASTRACEAE

x

HỌ CHÂN DANH

247

Celastrus hindsii Benth.

Dây gối ấn độ

x

248

Euonymus forbesianus Loesn.

Tang

x

249

Euonymus laxiflorus Champ.

Chân danh hoa

x

250

Glyptopetalum poilane Tardieu

Xâm cánh poilane

x

Chóc máu lào

x

251 Salacia laotica Pitard 29. CHLORANTHACEAAE 252 Chloranthus elatior Link

HỌ HOA SÓI Hoa sói

30. CLUSIACEAE

x

HỌ MĂNG CỤT

253

Callophyllum sp.

254

Cratoxylum cochinchinense (Lour.) Thành ngạnh Blume

x

255

Cratoxylum pruniflorum (Kurz) Kurz

Đỏ ngọn

x

256

Gacinia multiflora Champ. ex Benth.

Dọc

257

Garcinia cowa Roxb.

Tai chua

258

Garcinia fagraeoides A.Chev.

Trai lý

x

259

Garcinia oblongifolia Champ. ex Benth.

Bứa lá thuôn

x

260

Garcinia tinctoria (DC.) W. Wight

Bứa nhuộm

x

261

Hypericum japonicum Thunb.

Ban, Nọc sởi

262 Mesua ferrea L.

Cồng núi

Vắp

x

x

x x x x x

x Trang 41


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

31. COMBRETACEAE

HỌ BÀNG

Nguồn Tài liệu

263

Anogeissus acuminata (Roxb. ex Chò nhai DC.) Guill.

x

264

Terminalia myriocarpa Heurck et Muell.

x

Chò xanh

265 Terrminalia cattapa L

Bàng

32. CONNARACEAE 266

267 Connarus sp. 33. CONVOLVULACEAE

x

Dây khế

x

x

Vắp cày

x

x

HỌ KHOAI LANG

268

Argyreia capitata (Vahl.) Choisy

Bạc thau hoa đầu

x

269

Erycibe obtusifolia Benth

Chân bìm lá tù

x

270

Erycibe subspicata Wall.

Chân bìm như gié

x

271

Hewittia scandens (Milne) Mabb.

Bìm hai màu

x

272

Ipomoea triloba L.

Bìm bìm 3 thuỳ

x

273

Merremia Hallier f.

Bìm bìm hoa vàng

x

274

Merremia umbellata (L.) Hallier f.

Bìm bìm bắc bộ

x

275

Merremia vitifolia (Burm. f.) Hallier Bìm bìm lá nho f.

x

276

Porana volubilis Burm f.

x

(Burm.

f.)

Lang rừng

34. MASTIXIACEAE 277

Mastixia Clarke

arborea

(Wight)

x

HỌ DÂY KHẾ

Cnestis palala (Lour.) Merr.

hederacea

*

ĐT2009

x x x x x

HỌ BÚI LỬA C.B.

Búi cây

35. CUCURBITACEAE

x HỌ BẦU BÍ

278

Coccinia grandis (L.) Voigt

Rau bát

x

279

Gymnopetatum (Lour.) Kurz

Cứt quạ

x

280

Gynostemma integrifolium (Roxb.)Kurz

Mướp đất

281

Gynostemma laxum (Wall.) Cogn.

Thư tràng thưa

282

Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Makino

Dần toòng

283

Hodgsonia Cogn.

284

cochinchinensis

macrocarpa (Blume)

x x x

x x x

Đại hái

x

Thladiantha siamensis Craib

Gấc núi

x

x

285

Trichosanthes cucumerina L.

Dưa núi

x

x

286

Zehneria indica (Lour.) Keraudren

Dưa chuột dại

x

x

36. DAPHNIPHYLLACEAE 287

Daphniphyllum calycinum Benth.

x

HỌ GIAO PHƯƠNG Vai trắng

x Trang 42


TT 288

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Tài liệu

Daphniphyllum marchandii aff. (H. Giao phương Lev.) Croiz. 37. DASTICACEAE

289

Nguồn *

ĐT2009 x

HỌ THUNG

Tetrameles nudiflora R. Br. in Benn.

Thung

x

38. DILLENIACEAE

HỌ SỔ

290

Dillenia heterosepala Fin. et Gagnep.

Lọng bàng

x

x

291

Dillenia indica L.

Sổ bà

x

x

Dây chạc chìu

x

x

292 Tetracera scandens (L.) Merr. 39. DIPTEROCARPACEAE

HỌ QUẢ HAI CÁNH

293

Dipterocarpus retusus Blume

294

Hopea Mazz.

295

Parashorea chinensis H. Wang

Chò chỉ

x

296

Vatica diospyroides Sym.

Táu muối

x

Táu nước

x

chinensis

(Merr.)

Chò nâu Hand.-

297 Vatica subglabra Merr.

x

Sao hòn gai

40. EBENACEAE 298

Diospyros Benth.

299

eryantha

Champ.

x

x

HỌ THỊ ex

Nhọ nồi

x

Diospyros sp.

Thị rừng, Da đen

x

x

300

Diospyros choboensis Lecomte

Thị chợ bờ

x

x

301

Diospyros mun A. Chev. ex Lecomte

Mun

x

Thị đá

x

302 Diospyros sp. 41. ELAEAGNACEAE

x

HỌ NHÓT

303

Elaeagnus bonii Lecomte

Nhót rừng

x

x

304

Elaeagnus sp.

Nhót dại

x

x

42. ELAEOCARPACEAE

HỌ CÔM

305

Elaeocarpus griffithii (Wight) A. Côm tầng Gray

306

Elaeocarpus sylvestris (Lour.) Poir. Côm trâu in Lamk.

307

Elaeocarpus apiculatus Mast.

Côm lá bàng

308

Elaeocarpus grandiflorus Smith.

Côm hoa lớn

309

Elaeocarpus laoticus Gagnep.

Côm Lào

310

Elaeocarpus petiolatus (Jack) Wall.

Côm hoa nhỏ

x

311

Elaeocarpus stipularis Blume

Côm lá kèm

x

312

Sloanea sinensis (Hance) Hemsl.

Nhím nước TQ

43. ERICACEAE 313

Craibiodendrron stellatum (Pierre ex Laness.) W.

x x

x x

x x x x

HỌ ĐỖ QUYÊN Rán mật

x

x Trang 43


Tên Khoa học

314

Rhododendron emarginatum Hemsl. & Wils.

Đỗ quyên lá lõm

315

Rhododendron euonymifolium Levl.

Đỗ quyên lá vệ nâu

x

316

Rhododendron sp.

Đỗ quyên

x

x

Sơn trâm phồng

x

x

317 Vaccinium bullatum (Dop) Sleum.

Tên Việt Nam

Nguồn

TT

44. ERYTHROPALACEAE 318

Erythropalum scandens Bl.

Tài liệu

*

ĐT2009

x

HỌ DÂY HƯƠNG Dây hương

45. EUPHORBIACEAE

x

HỌ BA MẢNH VỎ

319

Alchornea rugosa (Lour.) Muell.Đom đóm, Sói rừng Arg.

x

x

320

Alchornea tiliifolia (Benth.) Muell.Đom đóm Arg.

x

x

321

Antidesma bunius (L.) Spreng.

Chòi mòi

x

x

322

Antidesma montanum Blume

Chòi mòi núi

x

x

323

Antidesma sp.

Chòi mòi gỗ

x

x

324

Aporosa dioica (Roxb.) Muell.-Arg.

Thẩu tấu

x

x

325

Aprosa sp.

Thẩu tấu

x

x

326

Baccaurea ramiflora Lour.

Dâu da đất

x

x

327

Bischofia javanica Blume

Nhội

x

x

328

Breynia fruticosa (L.) Hook. f.

Bồ cu vẽ

x

x

329

Bridelia balansae Tutcher

Đỏm

x

x

330

Bridelia monoica (Lour.) Merr.

Đỏm lông

x

x

331

Bridelia penangiana Hook. f.

Đỏm gai

x

x

332

Claoxylon hainanense Pax & Hoffm.

Lộc mại

x

x

333

Cleidiocarpon sp.

Tam tầng

x

x

334

Croton sp.

Ba đậu

x

x

335

Croton variegatum L

Ba đậu

x

x

336

Deutzianthus tonkinensis Gaganep.

Mọ

x

x

337

Endospermum chinense Benth.

Vạng trứng

x

x

338

Euphorbia hirta L.

Cỏ sữa lá lớn

x

x

339

Euphorbia thymifilia (L.) Poit.

Cỏ sữa lá nhỏ

x

x

340

Excoecaria bicolor Hassk

Đơn đỏ

x

x

341

Flueggea virosa (Roxb. ex Willd.) Bỏng nổ Voigt.

x

x

342

Glochidion hirsutum (Roxb.) Voigt

Bọt ếch

x

x

343

Glochidion velutinum Wight

Bọt ếch lông

x

x

344

Jatropha curcas L.

Dầu mè

x

x

Trang 44


TT

Tên Khoa học denticulata

Tên Việt Nam

Nguồn *

Tài liệu

ĐT2009

x

x

345

Macaranga Muell.-Arg.

346

Mallotus apelta (Lour.) Muell.-Arg.

Ba bét

x

x

347

Mallotus barbatus Muell.-Arg.

Bùm bụp

x

x

348

Mallotus paniculatus Muell.-Arg.

(Lamk.)

Ba soi, Bục bạc

x

x

349

Mallotus philippinensis Muell.-Arg.

(Lamk.)

x

x

350

Mallotus yunnanensis Pax,&Hoffm.

Lá khô

x

x

351

Phyllanthus emblica L.

Me rừng

x

x

352

Phyllanthus reticulatus Poir.

Phèn đen

x

x

353

Phyllanthus unirania L.

Chó đẻ

x

x

354

Ricinus communis L.

Thầu dầu

x

x

355

Sapium discolor Muell.-Arg.

Sòi tía

x

x

356

Sapium sebiferum (L.) Roxb.

Sòi trắng

x

x

357

Sapium rotundifolium Hemsl.

Sòi lá to

x

x

358

Sapium sp.

Sòi lá tròn

x

x

359

Sauropus racemosa Beille

Bồ ngót chùm

x

360

Suregada multiflora (A. Juss.) Baill.

Mít ma

x

x

361

Trigonostemon eberhardtii Gagnep.

Thẩu cải hoa vàng

x

x

362

Trigonostemon flavidus Gagnep.

Mòng lông

x

363

Trigonostemon thyrsoideus Stapf.

Tam thụ hùng roi

x

Trẩu

x

x x

(Blume)

364 Vernicia montana Lour.

Lá nến

Cánh kiến

46. FABACEAE

HỌ ĐẬU

365

Abrus precatorius L.

Cam thảo nam

x

366

Alysicarpus vaginalis (L.) DC.

Đậu vảy ốc

x

367

Bowringia callicarpa Champ. ex Benth.

Dây bánh nem

368

Cajanus cajan (L.) Mill.

Đậu triều

x

369

Calleyria cinerea (Benth.) Schot.

Thàn mát tro

x

370

Crotalaria acicularis Buch.- Ham. ex Benth.

Lục lạc kim

371

Crotalaria ferruginea Grah. ex Benth.

Lục lạc rỉ sắt

372

Dalbergia sp.

Vảy ốc gỗ

x

x

373

Dalbergia assamica Benth.

Cọ khẹt

x

x

374

Dalbergia dyeriana Prain ex Harms

Trắc dyer

x

x

375

Dalbergia rimosa Roxb.

Trắc dây

x

x

376

Derris elliptica (Roxb.) Benth.

Dây mật

x

x

x x

x x

Trang 45


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Nguồn *

Tài liệu

ĐT2009

377

Desmodium heterophyllum (Willd.) Thóc lép DC.

x

x

378

Desmodium sp.

Thóc lép một lá tròn

x

x

379

Desmodium triflorum (L.) DC.

Thóc lép ba lá

x

x

380

Milletia dielsiana Harms

Kê huyết đằng

x

381

Milletia pachyloba Drake

Thàn mát thuỳ dày

x

382

Millettia ichthyochtona Drake

Thàn mát

x

x

383

Ormosia balansae Drake

Ràng ràng mít

x

x

384

Ormosia henryi Prain

Ràng ràng lông

x

x

385

Ormosia pinnata (Lour.) Merr.

Ràng ràng xanh

x

x

386

Ormosia sp.

Ràng ràng xanh

x

x

387

Pueraria montana (Lour.) Merr.

Sắn dây rừng

x

x

388

Sesbania cannabina (Retz.) Pers.

Điền thanh

x

389

Spatholobus parviflorus (Roxb. Ex DC.) Kuntze

Dây kim luông

390

Spatholobus pottingeri Prain

Tà anh

x

391

Tadehagi triquetrum (L.) Ohashi

Cổ bình

x

392

Uraria crinita (L.) Desv.

Đuôi chồn

x

393

Uraria lagopodioides (L.) Desv.

Đuôi chồn chân thỏ

x

47. FAGACEAE

x

HỌ DẺ

394

Castanopsis tonkinensis Seemen

Dẻ gai bắc bộ

x

x

395

Castanopsis hystrix A. DC.

Dẻ gai đỏ

x

x

396

Castanopsis indica (Roxb.) A. DC.

Cà ổi

x

x

397

Lithocarpus cerebrinus A. Camus

Sồi phảng

x

x

398

Lithocarpus corneus (Lour.) Rehd. in Sồi ghè L. Bailey

399

Lithocarpus cryptocarpus (Drake) A. Sồi bàn Camus

x

400

Lithocarpus Camus

x

401

Quercus bambusaefolius Hance

402

Quercus chrysocalyx Hickel & A. Dẻ đấu vàng Camus

x

403

Quercus platycalyx Hickel & A. Dẻ cau Camus

x

404

Quercus sp.

pseudosundaicus

48. FLACOURTIACEAE

A.

x

Sồi xanh Sồi lá tre

x

x

Dẻ cau

x x x

HỌ MÙNG QUÂN

405

Casearia graveolens Dalz.

Tổ kén

x

x

406

Flacourtia rukam Zoll. & Mor.

Mùng quân rừng

x

x Trang 46


TT

Tên Khoa học ceylanicum

Tên Việt Nam

Nguồn *

Tài liệu

ĐT2009

Chà ran sến

x

x

407

Homalium Benth.

408

Homalium cochinchinensis (Lour.) Druce

Chà ran nam bộ

x

x

409

Homalium sp.

Chà ran

x

x

410

Hydnocarpus anthelminthica Pierre Đại phong tử ex Gagnep.

x

x

(Gardn.)

49. GESNERIACEAE

HỌ KHỔ CỰ ĐÀI

411

Aeschynanthus acuminatus Wall. ex A. DC.

Má đào nhọn

412

Aeschynanthus bracteatus Wall. ex A. DC.

Má đào lá hoa

413

Boeica ferrunginea Drake

Bê ca sét

x

414

Chirita hamosa R. Br.

Cây rita móc

x

415

Paraboea rufescens (Franch.) Burtt.

Song bế

x

416

Paraboea sinensis (Oliv.) Burtt.

Ngạc cự đài

x

417

Rhynchotechum obovatum (Griff.) Bartt.

Thạch diệp

418 Calcareoboea coccinea Wu ex Li 50. HAMAMELIDACEAE

420

Exboklandia tonkinensis (Lec.) Van Nghến đất Steen

Chắp tay lá xẻ

Sau sau

51. HERNANDIACEAE

53. HYDRANGEACEAE 424

Dichroa febrifuga Lour.

425 Dichroa hirsuta Gagnep. 54. ICACINACEAE

x x x x

x x x

HỌ LIÊN ĐẰNG Khang bu

52. HIPPOCASTANACEAE 423 Aesculus assamica Griff

x

HỌ HỒNG QUANG

Exboklandia sp.

422 Illigera celebica Miq.

x

Thạc bế hồng

419

421 Liquidambar formosana Hance

x

x HỌ KẸN

Kẹn

x

HỌ THƯỜNG SƠN Thường sơn

x

x

Thường sơn lông

x

x

HỌ MỘC THÔNG

426

Gomphandra hainanensis Merr.

Tiết hùng hải nam

x

427

Gomphandra mollis Merr.

Bổ béo mềm

x

428

Gomphandra tetrandra (Wall.) ex Sluem

Bổ béo bốn nhị

429

Iodes cirrhosa Turcz.

Mộc thông

x

430

Iodes seguini (Levl.) Rehd.

Tử quả seguin

x

431

Stemonorus chingianus (Hand.Maz.) Sluem

Vĩ hùng ching

x x

x Trang 47


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

55. ILLICIACEAE

HỌ HỒI

432 Illicium griffithii Hook et Th.

Tài liệu

Hồi núi

*

ĐT2009 x

56. IXONANTHACEAE 433 Ixonanthes reticulata Jack.

Nguồn

HỌ HÀ NU Hà nu

x

57. JUGLANDACEAE

HỌ HỒ ĐÀO

434

Annamocarya sinensis (Dode.) J. Chò đãi Leroy

x

435

Engelhardtia roxburghiana Wall.

Chẹo tía

x

x

436

Pterocaria stenoptera C. DC.

Cơi

x

x

x

x

58. LAMIACEAE

HỌ HOA MÔI

437

Anisomeles indica (L.) O. Ktze.

Phòng phong thảo

438

Clinopodium chinense (Benth.) Kuntze

Son húng tàu

439

Clinopodium gracile (Benth.) Metsum

Sơn húng

440

Elshoetzia blanda Benth.

Kinh giới dại

441

Elshotzia ciliata (Thunb.) Hyland

Kinh giới

442

Gomphostemma javanica (Blume) Benth.

Đinh hùng java

443

Gomphostemma lucidum Wall. ex Benth.

Đinh hùng láng

444

Leucas mollissima Wall.

Bạch thiệt mềm

x

445

Microtoena insuavis (Hance) Briq.

Dải nhỏ

x

446

Mosla dianthera (Buch.- Ham.) Maxim

Lá men

447

Ocimum gratissimum L.

Hương nhu trắng

x

448

Ocimum tenuiflorum L.

Hương nhu tía

x

449

Paraphlomis albflora (Hemsl.) Hand- Bên hoa trắng Maze

x

450

Paraphlomis hispida C. Y. Wu

Bên lông cứng

x

451

Paraphlomis javanica (Blume) Prain

Bên java

x

452

Perilla frutescens (L.) Britt.

Tía tô

x

453

Pogostemon auricularius (L.) Hassk.

Tu hùng dại

x

454

Salvia plebeia R. Br.

Hoa xôn dại

x

455

Teucrium viscidum Blume

Tiêu kỳ dính

x

59. LAURACEAE

x x x x x x

x

x

x

HỌ RE

456

Actinodaphne pilosa ( Lour.) Merr.

Rè mít, Bộp lông

x

x

457

Beilschmiedia balansae Lecomte

Bạc tán xanh

x

x

458

Beilschmiedia sp.

Chắp trơn

x Trang 48


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Nguồn Tài liệu

*

ĐT2009

459

Caryodaphnopsis tonkinensis AiryCà lồ Shaw

x

460

Cinnamomum sp.

Quế nhớt

x

x

461

Cinnamomum sp.

Re

x

x

462

Cinnamomum balansae Lecomte

Vù hương

x

463

Cinnamomum Ham.) Sweet

Re bầu

464

Cinnamomum burmannii Blume

Quế trèn

x

x

465

Cinnamomum iners Reinw. ex Blume

Re hương

x

x

466

Cinnamomum parthenoxylon (Jack.) Re hương Meisn

467

Cryptocarya lenticellata Lecomte

Nanh chuột

x

x

468

Cryptocarya impressa Miq.

Mỏ quạ xanh

x

x

469

Lindera sp.

Trừng gà 3 gân xanh

470

Litsea cubeba (Lour) Pers

Màng tang

x

x

471

Litsea balansae Lecomte

Mò roi

x

x

472

Litsea baviensis Lecomte

Bời lời ba vì

x

x

473

Litsea glutinosa (Lour.) C.B. Robins

Bời lời nhớt

x

x

474

Litsea griffithii. annamensis Lion.

Bời lời trung bộ

x

475

Litsea monopetala (Roxb.) Pers.

Bời lời lá tròn

x

x

476

Litsea sp.

Mò lông

x

x

477

Litsea verticillata Hance

Kháo vòng lá bé

x

478

Machilus odoratissima Nees

Kháo thơm, Rè vàng

x

479

Neocinnamomum Lee & Wei

Re mới quả dẹt

480

Neolitsea aurata (Hayata) Koidz.

Kháo suối

x

481

Neolitsea sp.

Mằn cắt

x

bejolghota

(Buch.-

Gambl.

var.

complanifructum

482 Phoebe cuneata Blume 483

486 487

(Gardn.

489

x

x

HỌ MÃ TIỀN et

x

Strychnos umbellata (Lour.) Merr.

Mã tiền tán

x

Strychnos sp.

Mã tiền cây

x

Strychnos wallichiana Steud.

x x

Lá ngón

488 Strychnos vanpruckii Craib.

x

x

Gối hạc tía

61. LOGANIACEAE Gelsemium elegans Champ.) Benth.

x

HỌ GỐI HẠC

Leea rubra Blume ex Spreng.

485

x

Kháo nước

60. LEEACEAE 484

x

Kháo lá to

Phoebe pallida (Nees) Nees

x

Dây bốn cạnh Mã tiền dây

x x x

x

x Trang 49


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

62. LYTHRACEAE

HỌ BẰNG LĂNG

Nguồn Tài liệu

490

Lagestroemia calyculata Kurz

Bằng lăng ổi

x

491

Lagestroemia micrantha Merr.

Bằng lăng mỏng

x

492

Rotala mexicana Cham.

Luân thảo mexico

x

493

Rotala rotundifolia (Roxb.) Koehne

Vảy ốc lá tròn

x

63. LORANTHACEAE

*

ĐT2009

HỌ TẦM GỬI

494

Taxillus chinensis (DC.) Dans.

Tầm gửi

x

x

495

Taxillus parasitica (L.) Ban

Tầm gửi lá tròn

x

x

64. MAGNOLIACEAE

HỌ MỘC LAN

496

Magnolia coco (Lour.) DC.

Hoa trứng gà

x

x

497

Manglietia conifera Dandy

Mỡ

x

x

498

Michelia balansae (A.DC.) Dandy

Giổi bà

x

499

Michelia? sp.

Giổi thơm

x

500

Michelia figo ( Lour.) Spreng.

Tử tiêu

x

501

Michelia foveolata Merr. ex Dandy

Giổi lá bạc

x

65. MALVACEAE

HỌ BÔNG

502

Abelmoschus moschatus Medik.

Vông vang

x

503

Abutilon indicum (L.) Sw.

Cối xay

x

504

Gossypium arboreum L.

Bông vải

505

Hibiscus rosa-sinensis L.

Dâm bụt

506

Kydia calycina Roxb.

Bò ké

x

507

Kydia glabrescens Mast.

Bò khét nhẵn

x

508

Sida rhombifolia L.

Ké hoa vàng

x

509

Urena lobata L.

Ké hoa đào

x

66. MELASTOMATACEAE

x x

HỌ MUA

510

Blastus auriculatus C. Y. Huang

Bo rừng có tai

x

511

Blastus borneensis Cogn.

Bo rừng borneo

x

512

Medinila assamica (C. B. Clarke) C. Chen

Mua leo

513

Melastoma candidum D. Don.

Mua

514

Melastoma normale D. Don

Mua thường

515

Melastoma Merr.

516

Melastoma sanguineum Sims

Mua cao

517

Memecylon edule Roxb.

Sầm xì

518

Phyllagathis tonkinensis (Cogn.) Stapf

Me nguồn bắc bộ

saigonense

(Kuntze)

x x x

Mua lông

x x x

x

x

x

Trang 50


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

519

Plagiopetalum esquirolii (Lévl.) Rehd.

Khuynh cánh

520

Sporoxeia hirsuta (Li) C. Y. Wu

Vi tử phún

67. MELIACEAE

Nguồn Tài liệu x x

HỌ XOAN

521

Aglaia elaegnoidea (A. Juss.) Benth.

522

Aglaia spectabilis (Miq.) Jain & Gội nếp Bennet.

x

523

Aphanamixis grandifolia Blume

x

524

Aphanamixis polystachya (Wall.) R. Gội gác N. Parker

x

525

Aphanamixis? sp.

Gội gà

x

526

Chisocheton Hiern.

Quếch tía

x

527

Chukrasia tabularis A. Juss.

Lát hoa

x

528

Dysoxylum globarum (Buch.- Ham.) Merr.

Chặc khế sừng

529

Melia azedarach L.

Xoan

x

530

Toona sinensis (A. Juss.) M. Roem.

Tông dù

x

532

Trichilia connaroides (Wight & Arn.) Bentv.

Trường nát

paniculatus

*

ĐT2009

(Roxb.)

Ngâu nhót

Gội trắng

68. MENISPERMACEAE

x

x x x x

x

x

x

HỌ TIẾT DÊ

533

Cissampelos pareira L.

Dây sâm nam

x

534

Cocculus sarmentsus (Lour.) Diels

Hoàng thanh

x

535

Fibraurea recisa Pierre

Nam hoàng

x

536

Fibraurea tinctoria Lour.

Hoàng đằng

x

537

Parabaena sagittata Miers

Gươm điệp

x

538

Pericampylus glaucus (Lamk.) Merr.

Châu đảo

x

539

Stephania cepharantha Hayata

Bình vôi

x

540

Stephania dielsiana C. Y. Wu

Củ dòm

x

541

Stephania hernandiifolia (Willd.) Spreng

Dây mối

542

Stephania longa Lour.

Lõi tiền

x

543

Stephania sinica Diels

Bình vôi tán ngắn

x

544

Tinospora sagittata (Oliv.) Gagnep.

Củ gió

x

545

Tinospora sinensis (Lour.) Merr.

Dây đau xương

69. MIMOSACEAE

x

x

x

x

x

HỌ TRINH NỮ

546

Acacia pennata (L.) Willd.

Dây sống rắn

547

Adenanthera microsperma Teijim

Muồng ràng ràng

x

548

Albizia procera (Roxb.) Benth.

Muồng xanh

x

x

x

Trang 51


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Nguồn *

Tài liệu

ĐT2009

x

x

549

Albizzia lucidior (Steud.) I. Nielsen

550

Archidendron balansae (Oliv.) I. Cứt ngựa Nielsen

551

Archidendron chevalieri (Kosterm.) Phân mã tuyến nổi I. Nielsen

552

Archidendron clypearia (Jack.) I. Mán đỉa Nielsen

553

Archidendron lucidum (Benth.) I. Mán đỉa trâu Nielsen

554

Archidendron sp.

Mán đỉa

x

x

555

Entada phaseoloides (L.) Merr.

Bàm bàm

x

x

556

Mimosa pudica L.

Xấu hổ

x

x

Bản xe

70. MORACEAE

x

x x

x

x x

HỌ DÂU TẰM

557

Antiaris toxicaria (Pers.) Lesch.

Sui

x

x

558

Artocarpus styracifolius Pierre

Chay lá bồ đề

x

x

559

Broussonetia papyrifera (L.) L' He'r. Dướng ex Vent.

x

x

560

Ficus pisocarpa Blume

Sộp

x

x

561

Ficus sp.

Cọ nọt lá lệch

562

Ficus abelii Miq.

Rù rì bãi

x

x

563

Ficus auriculata Lour.

Vả

x

x

564

Ficus benjamina L.

Sanh

x

x

565

Ficus fistulosa Reinw. ex Blume

Sung rừng

x

x

566

Ficus fulva Reinw. ex Blume

Ngoã lông

x

x

567

Ficus glaberrima Blume

Đa lá bóng

x

x

568

Ficus glandulifera (Miq.) Wall. ex King

Vỏ mản

x

x

569

Ficus heterohylla L. f.

Vú bò lá to

x

x

570

Ficus hispida L.f.

Ngái

x

x

571

Ficus pubilimba Merr.

Đa lông

x

x

572

Ficus sagittata Koeing ex Vahl

Đa lá mác leo

x

x

573

Ficus sikkimensis Miq.

Đa leo

x

x

574

Ficus simplicissima Lour.

Vú bò đơn

x

x

575

Ficus sp.

Ngoã lá mỏng

x

576

Ficus sp.

Sung rừng lá to

x

577

Ficus vasculosa Wall. ex Miq.

Mít rừng

x

x

578

Streblus asper Lour.

Ruối

x

x

579

Streblus ilicifolius (Vidal) Corn.

Ô rô núi

x

x

580

Streblus laxiflorus (Hutch.) Corn.

Quýt núi

x

x

x

Trang 52


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Nguồn *

Tài liệu

ĐT2009

581

Streblus tonkinensis (Dub. & Eberh.) Teo nông Corn.

x

x

582

Trophis scandens (Lour.) Hook. & Ruối leo Arn.

x

x

71. MYRISTICACEAE amygdalina

HỌ MÁU CHÓ

583

Horsfieldia Warb.

584

Horsfieldia sp.

Sang máu

585

Knema globularia (Lamk.) Warb.

Máu chó lá nhỏ

(Wall.)

Máu chó lá to

72. MYRSINACEAE

x

x x

x

x

HỌ ĐƠN NEM

586

Ardisia arborescens Wall. ex A. DC.

Trọng đũa gỗ

587

Ardisia callophyloides Pitard

Cơm nguội còng

x

588

Ardisia elegans Andr.

Tạp quang

x

589

Ardisia lecomtei Pitard

Trọng đũa gỗ

590

Ardisia mamillata Hance

Lưỡi cọp đỏ

x

591

Ardisia myrsinoides Pitard

Cơm nguội

x

592

Ardisia quinquegona Blume

Trọng đũa tuyến

593

Ardisia replicata E. Walker

Cơm nguội xếp

x

594

Ardisia silvestris Pitard

Khôi tía

x

595

Ardisia velutina Pitard

Cơm nguội lông

x

596

Ardisia villosa Roxb.

Cơm nguội lông

x

597

Ardisia virens Kurz

Cơm nguội độc

x

598

Embelia laeta (L.) Mez.

Chua ngút hoa trắng

x

599

Embelia undulata (Wall.) Mez.

Rè dai

x

600

Maesa indica (Roxb.) A. DC.

Đơn nem ấn độ

x

601

Maesa membranacea A. DC.

Đơn nem

x

602

Maesa montana A. DC.

Đơn nem

x

603

Myrsine affinis A. DC.

Xây gần

x

604

Myrsine linearis (Lour.) S. Moore

Xây hẹp

x

73. MYRTACEAE 605

Cleistocalyx operculatus Merr. & Perry

606

x

x

x x

HỌ SIM (Roxb.)

Vối rừng

x

Rhodomyrtus tomentosa (Ait.) Hassk.

Sim

x

x

607

Syzygium cuminii (L.) Skeels

Trâm vối

x

x

608

Syzygium malayanum Merr. & Perry

Roi rừng

x

609

Syzygium polyanthum (Wight.) Walp.

Sắn thuyền

x

x

610

Syzygium sp.

Trâm tía

x

x

(Gagnep.)

x

x

Trang 53


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Nguồn Tài liệu

611

Syzygium sterrophyllum Merr. & Trâm suối Perry

x

612

Syzygium wightianum Wall. ex Wight Trâm trắng & Arn.

x

74. OLEACEAE

*

ĐT2009 x x

HỌ HOA NHÀI

613

Jasminum sp.

Vỏ sạn lá nhỏ

x

614

Jasminum sp.

Vỏ sạn lá to

x

615

Jasminum subtriplinerve Blume

Chè vằng

x

x

Khế

x

x

Chua me lá me

x

x

Chua me đất

x

x

75. OXALIDACEAE 616

Averrhoa carambola L.

617 Biophytum sensitivum (L.) DC. 618

Oxalis corniculata L.

HỌ KHẾ

76. PANDACEAE 619

HỌ CHẨN

Microdesmis caseariaefolia Planch. Chẩn ex Hook. 77. PIPERACEAE

x HỌ HỒ TIÊU

620

Piper aff. bonii C. DC.

Trầu không rừng

x

621

Piper gymnostachyum C. DC.

Trầu không rừng

x

622 Piper pseudinigrum C. DC. 623

Piper sp.

Giả hạt tiêu

x

x

Lá lốt rừng

x

x

78. PLANTAGINACEAE 624

Plantago major L. 79. POLYGALACEAE

HỌ MÃ ĐỀ Mã đề

x HỌ VIỄN CHÍ

625

Xanthophyllum eberhardii Gagnep.

Chanh rừng

x

626

Xanthophyllum sp.

Chanh rừng lá dài

x

627

Xanthophyllum sp.

Chanh rừng lá lớn

x

80. POLYGONACEAE

HỌ RAU RĂM

628

Polygonum barbatum L.

Nghể trâu

x

629

Polygonum caespitosum Blume

Nghể phú

x

630

Polygonum capitatum D. Don

Nghể đầu

x

631

Polygonum chinense L.

Thồm lồm

x

632

Polygonum glabrum Willd.

Nghể nhẵn

x

633

Polygonum hydropiper L.

Nghể răm

x

634

Polygonum minus Huds. var. depressum (Meisn.) Dans.

Nghể bé

635

Polygonum odoratum Lour.

Rau răm

x

636

Polygonum orientala L.

Nghể đông

x

637

Polygonum perfoliatum L.

Thồm lồm gai

x

x

x

x x

Trang 54


TT 638

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Polygonum sp.

Rau răm dại

81. PROTEACEAE

Nguồn *

Tài liệu

ĐT2009

x

x

HỌ CƠM VÀNG

639

Helicia cochinchinensis Lour.

Mạ sưa nam bộ

x

x

640

Helicia grandifolia Lecomte

Mạ sưa

x

x

641

Helicia hainanensis Hayata

Chẹo thui hải nam

x

642

Helicia nilagirica Bedd.

Chẹo thui

x

643

Helicia robusta (Roxb.) Blume

Chẹo thui lớn

x

644

Heliciopsis lobata (Merr.) Sleum

Răng cưa

x

x

82. RHAMNACEAE

HỌ TÁO TA

645

Berchemia lineata (L.) DC.

Rút dế

x

x

646

Rhamnus nepalensis Wall. in Roxb.

Cồng cua

x

x

647

Sageretia theezans (L.) Brongn.

Quanh châu

x

x

648

Ziziphus oenoplia (L.) Mill.

Táo dại

x

x

83. RHIZOPHORACEAE

HỌ ĐƯỚC

649

Carallia brachiata (Lour.) Merr.

Trúc tiết

x

x

650

Carallia diplopetala Hand.-Mazz.

Răng cá

x

x

84. ROSACEAE

HỌ HOA HỒNG

651

Ameniaca vulgaris Lam

x

x

652

Eryobotrya sp.

Tỳ bà lá nhẵn

x

x

653

Persia vulgaris Will

Đào

x

x

654

Prunus arborea (Blume) Kalkm.

Xoan đào

x

x

655

Prunus phaeosticta (Hance) Maxim.

Xoan đào xanh

x

x

656

Prunus salicina Lindl

Mận

x

x

657

Rubus alcaefolius Poir.

Mâm xôi

x

x

658

Rubus cochinchinensis Tratt.

Ngấy hương

x

x

Mãi táp

x

x

x

x

85. RUBIACEAE

HỌ CÀ PHÊ

659

Aidia oxyodonta Yamazaki

660

Aidia pycnantha (Drake) Tirveng.

Đuôi lươn

661

Canthium sp.

Trâm sánh

662

Canthium umbellatum Wight

Xương cá

x

x

663

Cephalanthus tetrandra Ridsd. & Bakh.

Rù rì nước

x

x

664

Gardenia augusta (L.) Merr.

Dành dành

x

x

665

Gardenia stenophylla Merr.

Dành dành lá hẹp núi

x

x

666

Hedyotis capitellata Wall.

Dạ cẩm

x

x

667

Ixora coccinea L.

Mẫu đơn

x

x

aff.

(Drake)

(Roxb.)

x

Trang 55


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Nguồn *

Tài liệu

ĐT2009

668

Ixora sp.

Mẫu đơn lá hẹp

x

x

669

Mussaenda dehiscens Craib

Bướm bạc cây

x

x

670

Mussaenda pubescens Ait.f.

Bướm bạc

x

x

671

Mussaenda sp.

Khúc áo

x

672

Nauclea orientalis (L.) L.

Gáo

x

673

Neonauclea calycina (DC.) Merr.

Gỗ vàng

x

674

Neonauclea purpurea (Roxb.) Merr.

Vàng kiêng

x

675

Paederia sp.

Dây mơ rừng

x

x

676

Psychotria rubra (Lour.) Poir.

Lấu đỏ

x

x

677

Randia spinosa (Thb) Poir

Găng gai

x

678

Uncaria sp.

Câu đằng lá nhỏ

x

679

Uncaria sp.

Câu đằng lá to

x

680

Wendlandia paniculata (Roxb.) DC.

Hoắc quang tía

x

x

681

Wendlandia sp.

Hoắc quang

x

x

86. RUTACEAE

HỌ CAM

682

Acronychia peduncunata (L.) Miq.

Bưởi bung

x

x

683

Atalantia buxifolia (Poir.) Oliv.

Quýt gai

x

x

684

Atalantia guillauminii Swingle

Quýt rừng

x

x

685

Atalantia monophylla (DC.) Correa

Quít gai

x

x

686

Clausena anisata (Willd.) Hook. f. ex Nhậm rừng Benth.

x

x

687

Clausena excavata Burm. F.

Hồng bì dại

x

x

688

Clausena lansium Skeels

Hồng bì rừng

x

x

689

Euodia meliaefolia (Hance) Benth.

Thôi chanh

x

x

690

Evodia lepta (Spreng.) Merr.

Ba gạc

x

x

691

Micromelum minutum (Forst. Wight & Arn.

x

x

692

Zanthoxylum avicenniae (Lam.) DC.

Xẻn gai, Muồng truổng

x

x

693

Zanthoxylum Hemsl.

Hoàng mộc cánh bầu

694

Zanthoxylum nitidum (Roxb.) DC.

Xuyên tiêu

x

695

Zanthoxylum scandens Blume

Hoàng mộc leo

x

f.)

dimorphophyllum

87. SABIACEAE 696

Meliosma Beusekom

697

Meliosma sp.

angustifolia

x

HỌ THANH PHONG (Merr.)

88. SAPINDACEAE 698

Ớt rừng

Amesiodendron chinense (Merr.) Hu

Hoa bọt lá kép

x

Hoa bọt lá tròn

x

HỌ BỒ HÒN Trường mật

x

x Trang 56


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Nguồn Tài liệu

*

ĐT2009

699

Arytera littoralis Blume

Trường đôi

x

700

Cardiospermun halicacabum L.

Dây Tầm phỏng

x

x

701

Dimocarpus fumatus (Blume) Leenh.

Nhãn rừng

x

x

702

Litchi chinensis Radlk

Vải thiều

x

x

703

Mischocarpus pentapetalus (Roxb.) Rhadlk.

Nây năm cánh

704

Nephelium chryseum Blume

Trường chua, Thiều rừng

705

Pometia pinnata Forst. & Forst. f.

Trường sâng

706

Xerospermum noronhianum (Blume) Vải đóm Blume 89. SAPOTACEAE Sơn xã

708

Eberhardtia tonkinensis H.Lec

Mắc niễng

709

Mimusops elengi L.

Sến xanh

710

Sarcosperma Hook. f.

(Benth.)

x

x

x x

x

x

HỌ HUYẾT ĐẰNG

Sargentodoxa cuneata (Oliv.) Rehd. Huyết đằng & Vils. 91. SAURURACEAE

x

x

HỌ LÁ GIẤP

Gymnotheca chinensis Decne

Diếp cá suối

92. SCROPHULARIACEAE 713

x

x

Nóng, Sến đất

90. SARGENTODOXACEAE

712

x

HỌ SẾN

Donella lanceolata (Blume) Aubr.

711

x

x

707

laurinum

x

Adenosma caeruleum R. Br.

x

x

x

x

HỌ HOA MÕM CHÓ Nhân trần

93. SIMAROUBACEAE

HỌ THANH THẤT

714

Ailanhus triphysa (Dennst.) Alston

Thanh thất

x

x

715

Eurycoma longifolia Jack

Bách bệnh

x

x

94. SOLANACEAE

HỌ CÀ

716

Physalis angulata L.

Lu lu cái

x

x

717

Solanum album Lour.

Cà dại hoa trắng

x

x

718

Solanum nigrum L.

Lu lu đực

x

x

719

Solanum procumbens Lour.

Cà gai leo

x

x

720

Solanum sp.

Cà gai quả đỏ

x

x

95. SONNERATIACEAE 721

HỌ BẦN

Duabanga grandiflora ( Roxb. ex Phay sừng DC.) Walp. 96. STAPHYLEACEAE

722

Tapiscia sinensis Oliv.

723

Turpinia Merr.

cochinchinensis

x

HỌ NGÔ VÀNG Trương hôi

(Lour.)

x

Côi

x x Trang 57


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Nguồn Tài liệu

*

ĐT2009

724

Turpinia montana (Blume) Kurz

Khớp núi

x

725

Turpinia pomifera (Roxb.) DC.

Khớp kép

x

97. STERCULIACEAE

HỌ TRÔM

726

Eriolaena candollei Wall.

Bông bai

x

727

Helicteres angustifolia L.

Thao kén đực

x

728

Helicteres hirsuta Lour.

Thao kén cái

x

729

Helicteres lanceolaia DC.

Thao kén lá mác

x

730

Heritiera macrophylla Wall. ex Kurz

Cui rừng

x

731

Pterospermum truncatolobatum Gagnep.

Lòng mang cụt

732

Pterospermun heterophyllum Hance

Lòng mang xanh

x

733

Pterosperrmum lanceaefolium Roxb.

Mang lá mác

x

734

Sterculia lanceolata Cav.

Sảng nhung

x

735

Sterculia sp.

Sảng

x

98. STYRACACEAE

x

HỌ BỒ ĐỀ

736

Alniphyllum eberhardtii Guillaum.

Dương đỏ

x

737

Styrax benzoin Draynd.

Bồ đề xanh

x

x x

99. SYMPLOCACEAE

HỌ DUNG

738

Symolocos sp.

Dung lông

x

739

Symplocos cochinchinensis (Lour.) S. Dung nam Moore

x

740

Symplocos laurina (Retz) Wall.

Dung giấy

x

x

741

Symplocos racemosa Roxb.

Dung đồi

x

x

100. THEACEAE

x

HỌ CHÈ

742

Adinandra sp.

Chè xim

x

x

743

Aidinandra caudata Gagnep.

Chè đuôi lươn

x

x

744

Camellia caudata Wall.

Trà hoa vàng

x

x

745

Camellia oleifera C. Abel

Sở

x

x

Súm nhật

x

x

Che hồi

x

x

x

x

746 Eurya japonica Thunb. 747

Ternstroemia gymnanthera Bedd. 101. THYMELAEACEAE

748

Wikstroemia indica (L.) C.A. Mey.

HỌ TRẦM Niệt gió

102. TILIACEAE

HỌ ĐAY

749

Brownlowia tabularis Pierre

Lò bo

x

750

Excentrodendron (Gagnep.) Chang

Nghiến

x

751

Grewia bilamellata Gagnep.

Cò ke lá sếu

x

x

752

Grewia paniculata Roxb.

Mé cò ke

x

x

tonkinense

x

Trang 58


TT 753

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Microcos paniculata L.

Cò ke

103. ULMACEAE

Nguồn *

Tài liệu

ĐT2009

x

x

HỌ DU

754

Celtis philippinensis Blanco

Sếu rừng

x

x

755

Celtis sinensis Pers.

Sếu rừng

x

x

756

Celtis sp.

Sếu rừng

757

Gironniera subaequalis Planch.

Ngát

x

x

758

Trema angustifolia ( Planch.) Blume

Hu đay lá hẹp

x

x

759

Trema orientalis (L.) Blume

Hu đay

x

x

x

104. URTICACEAE

HỌ GAI

760

Boehmeria sp.

Gai dại

x

x

761

Laportea interrupta (L.) Chew

Han ngứa

x

x

762

Laportea sp.

Lá han

x

x

763

Laportea violacea Gagnep.

Han tía

x

x

764

Pellionia repens Lour.

Phu lệ bò

x

765

Pouzolzia sanguinea (Blume) Merr.

Bọ mắm leo

x

x

766

Pouzolzia zeylanica (L.) Benn.

Bọ mắm

x

x

x

x

x

x

105. VERBENACEAE

HỌ TẾCH

767

Callicarpa arborea Roxb.

768

Callicarpa candicans Hochr.

769

Callicarpa macrophylla Vahl

Tu hú bụi lá to

x

x

770

Callicarpa rubella Lindl.

Tu hú quả tím

x

x

771

Clerodendrum cyrtophyllum Turcz

Đắng cảy

x

x

772

Clerodendrum paniculatum L.

Mò đỏ

x

x

773

Clerodendrum Moore

x

x

774

Gmelina arborea Roxb.

x

x

775

Premna flavescens Wall. ex C. B. Vọng cách dây Clarke

x

x

776

Verbena officinalis L.

Cỏ roi ngựa

x

x

777

Vitex quinata (Lour.) Williams

Đẻn năm lá

x

x

778

Vitex tripinnata (Lour.) Merr.

Đẻn ba lá

x

x

779

Tu hú gỗ

(Burm.

petasites

f.)

(Lour.)

Tu hú

Mò trắng Lõi thọ

106. VITACEAE

HỌ NHO

Ampelopsis cantoniensis (Hook. & Arn.) Planch.

Chè dây

780

Cissus quadrangularis L.

Chìa vôi bốn cạnh

x

x

781

Cissus triloba (Lour.) Merr.

Dây chìa vôi

x

x

782

Tetrastigma rupestre Planch.

Dây thèm bép

x

x

x

Trang 59


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

B. MONOCOTYLEDONEAE

LỚP MỘT LÁ MẦM

1. ACORACEAE

HỌ THUỶ XƯƠNG BỒ

783 Acorus calamus L 784

Acorus gramineus Soland

Nguồn *

Tài liệu

ĐT2009

Thuỷ xương bồ

x

x

Thạch xương bồ

x

x

2. ARACEAE

HỌ RÁY

785

Alocasia macrorhiza (L.) G. Don.

Ráy

x

x

786

Homalomena occulta (Lour.) Schott

Thiên niên kiện

x

x

787

Lasia spinosa (L.) Thw.

Chóc gai

x

x

788

Pothos gigantipes S. Buchet

Cơm lênh lá to

x

x

789

Pothos grandis S. Buchet .

Cơm lênh lá bưởi

x

x

790

Pothos repens (Lour.) Druce

Cơm lênh

x

x

791

Pothos scandens L.

Ráy leo

792

Pseudodracontium sp.

Khoai nưa

x

x

793

Rhaphidophora decursiva (Roxb.) Lân tơ uyn Schott

x

x

794

Rhaphidophora tonkinensis Engl.

x

x

x

Ráy leo đá vôi

3. ARECACEAE

HỌ CAU

795

Arenga pinnata (Wurmb) Merr.

Búng báng

x

x

796

Calamus palustris Griff.

Mây nước

x

x

797

Calamus platyacanthus Warb. et Song mật Becc.

x

798

Calamus rudentum Lour.

Mây đá

799

Caryota mitis Lour.

Đùng đình, móc

800

Caryota monostachya Becc.

Đùng đình bông đơn

x

801

Daemonorops sp.

Hèo

x

802

Livistona saribus (Lour.) Merr. ex A. Cọ Chev.

x

803

Livistonia sp.

Cọ bắc sơn

x

804

Pinanga paradoxa Scheff.

Cau rừng xẻ

x

805

Rhapis cochinchinensis (Lour.) Mart.

Lụi bụi rộng

x

806

Rhapis excelsa (Thunb.) Henrry ex Lụi Rehd. 4. COMMELINACEAE

Thài lài

808

Streptolirion pendula Schinzl.

Thài lài tía

809

Streptolirion sp.

Thài lài

Aspidistra typica Bạill.

x

x

x

HỌ THÀI LÀI

Aneilema sp.

5. CONVALLARIACEAE

x

x

807

810

x

x x

x x

HỌ MẠCH MÔN ĐÔNG Tỏi rừng

x Trang 60


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Nguồn Tài liệu

*

ĐT2009

811

Disporopsis longifolia Craib

Hoàng tinh cách

x

812

Liriope graminifolia (L.) Baker

Tóc tiên rừng

x

813

Ophiopogon chingii F. T. Wang & T. Cao cẳng lá nhỏ Tang

x

814

Ophiopogon dracaenoides Hook. f.

Cao cẳng lá mác

x

815

Ophiopogon latifolius Rodr.

Cao cẳng lá rộng

x

816

Ophiopogon sp.

Cao cẳng

x

817

Ophiopogon Rodr.

818

Polygonatum odoratum (Mill.) Druce

stenophyllus

(Merr.)

Cao cẳng lá to Ngọc trúc

6. COSTACEAE 819 Costus speciosus (Koenig) Smith 820

Costus tonkinensis Gagnep.

x x

HỌ MÍA DÒ Mía dò

x

Mía dò bắc bộ

x

7. CYPERACEAE

HỌ CÓI

821

Carex cryptostachys Brongn.

Cói núi

x

x

822

Carex sp.

Cói túi

x

x

823

Cyperus rotundus L.

Hương phụ

x

x

824

Scleria sp.

Cói ba cạnh

x

x

8. DIOSCOREACEAE

HỌ CỦ NÂU

825

Dioscorea alata L.

Củ cái

x

x

826

Dioscorea cirrhosa Lour.

Củ nâu

x

x

827

Dioscorea glabra Roxb.

Củ mài nhẵn

x

x

828

Dioscorea persimilis Prain & Burk.

Củ mài

x

x

Bồng bồng

x

x

Dracaena cochinchinensis (Lour.) D. Huyết giác C. Chen

x

9. DRACAENACEAE 829 Dracaena angustifolia Roxb. 830

10. HYPOXIDACEAE

HỌ HUYẾT GIÁC

x

HỌ LONG THUYỀN

831

Curculigo gracilis (Kurz) Wall. ex Cỏ lòng thuyền Hook. f.

x

832

Curculigo lorchioides Gaertn.

x

x

x

x

x

x

x

x

11. MARANTACEAE

Sâm cau HỌ HOÀNG TINH

833 Phrynium placentarium (Lour.) Merr. Lá dong rừng 834

Phrynium sp. 12. MUSACEAE

835

Musa coccinea Andr. 13. ORCHIDACEAE

836

Aerides odorata Lour.

x

Lá dong HỌ CHUỐI Chuối rừng HỌ LAN Quế lan hương

x Trang 61


TT

Tên Khoa học

Tên Việt Nam

Nguồn Tài liệu

*

ĐT2009

837

Anoectochilus setaceus Blume

Lan Kim tuyến

x

838

Appendicula cornuta Blume

Lan tràng hạt

x

839

Bulbophyllum hirtum (Smith) Lindl.

Cầu diệp lông

x

840

Calanthe angusta K.L.Lindl.

Lan bầu rượu hoa tím

x

841

Calanthe sp.

Lan bầu rượu

x

842

Calanthe triplicata (Willem.) Ames

Lamn bầu rượu hoa trắng

x

843

Cymbidicum insigne Rolfe

Lan kiếm đại

x

844

Cymbidicum lancifolium Hook.

Lan kiếm lá mác

x

x

845

Dendrobium acinaciforme Roxb.

Lan chân rết

x

x

846

Dendrobium lindleyi Steud.

Lan vảy rồng

847

Dendrobium nobile Lindl.

Thạc hộc, Hoàng thảo dẹt

x

848

Nervilia fordii (Hance) Schlechter

Lan một lá

x

849

Paphiopedilum malipoense Chen&Tsi

Lan hài xanh

850 851

14. PANDANACEAE

x

x x x

HỌ DỨA DẠI

Pandanus odoratissimus L. f.

Dứa dại thơm

x

x

Pandanus tonkinensis Martelli

Dứa dại bắc bộ

x

x

15. POACEAE

HỌ HOÀ THẢO

852

Ampelocalamus patellaris (Gamble) Giang Stapleton

x

853

Arundinaria amabilis McClure

Tiểu trúc

x

854

Centosteca latifolia (Osbeck.) Trin.

Cỏ lá tre

x

x

855

Chrysopogon aciculatus (Retz.) Trin.

Cỏ may

x

x

856

Cynodon dactylon (L.) Pers.

Cỏ gà

x

x

857

Dactyloctenium Beauv.

Cỏ chân vịt

x

858

Eleusine indica (L.) Gaertn.

Cỏ mần trầu

x

859

Erianthus Jeswiel.

Lau

x

860

Imperata cylindrica (L.) Beauv.

Cỏ tranh

x

861

Miscanthus sp.

Chè vè

862

Neohouzeaua A.Camus.

863

Saccharum spontaneum L.

864

Thysanolaena Kuntze

aegyptyum

arundinaceus

dullooa

(L.)

(Retz.)

(Gamble)

maxima

16. SMILACACEAE

x x x x

Nứa

x

Lách (Roxb.)

x

x

Cỏ chít

x

x

HỌ CẬM CANG

865

Smilax glabra Wall. et Roxb.

Thổ phục linh

866

Smilax lanceifolia Roxb.

Cậm cang lá thuôn

x x Trang 62


Tên Việt Nam

Nguồn

TT

Tên Khoa học

867

Smilax megacarpa A. DC.

Kim cang quả to

x

868

Smilax ovalifolia Roxb.

Kim cang lá to

x

869

Smilax synandra Gagnep.

Kim cang lá mềm

x

17. STEMONACEAE 870

Stemona cochinchinensis Gagnep.

Tài liệu

*

ĐT2009

HỌ BÁCH BỘ Bách bộ nam

18. TACCACEAE

x

x

HỌ RÂU HÙM

871

Tacca plantaginea (Hance) Drenth

Râu hùm

x

x

872

Tacca sp.

Râu hùm

x

x

x

x

19. TRILLIACEAE 873

Paris chinensis Franch.

HỌ BẢY LÁ MỘT HOA Bảy lá một hoa

20. ZINGIBERACEAE

HỌ GỪNG

874

Alpinia globosa (Lour.) Horan.

Sẹ

x

x

875

Alpinia sp.

Riềng rừng

x

x

876

Alpinia tonkinensis aff. Gagnep.

Ré bắc bộ

x

x

877

Amomum xanthiodes Wall. Ex Bakh.

Sa nhân

x

878

Hedychium sp.

Ngải tiên

x

x

879

Zingiber purpureum Rosc.

Gừng tía

x

x

880

Zingiber zerumbet (L.) Smith

Gừng gió

x

x

684

688

880

Tổng số loài

Trang 63


Phụ lục 3. Một số hình ảnh về hệ thực vật ở Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò

Ảnh 1. Rừng đỉnh dông núi với Thông pà cò Pinus kwangtungensis ở Hang Kia. Ảnh Nguyễn Đức Tố Lưu.

Ảnh 2. Thông đỏ bắc Taxus chinensis. Ảnh Phùng Văn Phê.

Ảnh 3. Thông tre lá ngắn Podocarpus pilgeri. Ảnh Phùng Văn Phê.

.

Trang 64


Ảnh 4. Hoa lan Hài xanh Paphiopedilum malipoense. Ảnh Nguyễn Đức Tố Lưu.

Ảnh 5. Lan Hài xanh Paphiopedilum malipoense. Ảnh Nguyễn Đức Tố Lưu.

Ảnh 6. Lan một lá Nervilia fordii. Ảnh Phùng Văn Phê.

Ảnh 7. Bảy lá một hoa Paris chinensis. Ảnh Phùng Văn Phê.

Ảnh 8. Thạch bế hồng Calcareoboea coccinea .Ảnh Nguyễn Đức Tố Lưu.

Trang 65


Phụ lục 4. Sơ đồ tuyến điều tra thực vật tại khu BTTN Hang Kia – Pà Cò

Ranh giới khu bảo tồn Tuyến điều tra

Trang 66


Trang 67


TRUNG TÂM CON NGƯỜI VÀ THIÊN NHIÊN

KHU BTTN HANG KIA - PÀ CÒ

Báo cáo kỹ thuật này được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Thí điểm tiếp cận thị trường tổng hợp nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn thiên nhiên: Nâng cao đời sống cộng đồng vùng đệm để giảm thiểu tác động lên tài nguyên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình” do Quỹ Blue Moon (Hoa Kỳ) tài trợ. Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng và phong phú của thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương thông qua tìm kiếm, quảng bá, thực hiện các giải pháp bền vững và thân thiên với môi trường. Thông tin về các chương trình và hoạt động của PanNature xin tham khảo tại website: www.nature.org.vn


Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.